Thứ hai, 28/7/2014, 09h07

Đổi mới dạy các môn khoa học ở tiểu học: Cần thận trọng!

Cuối tuần qua, hơn 200 giáo viên và cán bộ quản lý đến từ 19 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham dự buổi tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học ở bậc tiểu học. Đây là một trong những nội dung của chương trình ký kết hợp tác giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Tập đoàn Globisens (Israel). Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực mà chương trình mang lại, song với những tồn tại của chương trình sách giáo khoa (SGK) và cách tổ chức thi cử hiện nay, đổi mới phương pháp vẫn rất khó thực hiện.

Tiếp cận khoa học

“Tất cả các con hãy cầm dụng cụ lên đo nhiệt độ trong phòng, sau đó xếp hàng di chuyển ra sân trường đo nhiệt độ ngoài trời nhé”. “Có bạn nào ghi nhận được sự khác biệt không? Thử giải thích cho cô nghe vì sao có sự chênh lệch đó”. Đó là 2 trong số những yêu cầu của giáo viên khi thực hiện phương pháp giảng dạy mới đối với các bộ môn khoa học tự nhiên ở bậc tiểu học. Thay vì khi bước vào tiết học, học sinh được giáo viên yêu cầu ghi chép định nghĩa về nhiệt độ, giới thiệu một số đặc tính liên quan giữa môi trường và nhiệt độ thì với cách học mới, các em được trực tiếp cầm dụng cụ đo lường và ghi nhận những số đo thực tế trong môi trường. Sau đó, lớp học được tổ chức thành nhiều nhóm, thảo luận về các đặc tính lý thuyết được rút ra từ những dữ liệu vừa thu thập đó.

Đối với học sinh tiểu học, việc học tập các môn khoa học cần chú trọng nhiều kỹ năng thực hành.

Một bài học khác, để xác định độ PH của đất, thay vì phải vào phòng thí nghiệm sử dụng các lọ dung dịch axit hoặc bazơ, dùng phản ứng thay đổi màu sắc của các mẫu giấy quỳ để đọc kết quả dữ liệu thì nay với cách dạy học mới, giáo viên có thể yêu cầu học sinh ngồi ngay tại lớp, sử dụng các bộ thiết bị đo cảm biến xác định chỉ số PH của đất. Theo đó, bộ phận cảm biến của thiết bị có khả năng chuyển đổi các đặc tính vật lý thành một tín hiệu điện, khi được kết nối với máy tính sẽ hiển thị thành các thông số dữ liệu. Ngoài ra, thông qua phần mềm định vị GPS (ứng dụng vệ tinh định vị toàn cầu - PV) tích hợp sẵn có trên bộ thiết bị, giáo viên có thể xác định được vị trí và kết quả đo lường của mỗi học sinh, sử dụng các công nghệ bluetooth, wireless không dây để tập hợp, tra cứu dữ liệu.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết đổi mới phương pháp giảng dạy luôn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các bậc học, không riêng gì tiểu học. Đặc biệt đối với các môn khoa học, việc ứng dụng các loại phương tiện công nghệ hiện đại sẽ giúp giáo viên dễ dàng tổ chức các hoạt động trên lớp. Đồng quan điểm, ông Hà Duy Bình, phụ trách lĩnh vực công nghệ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khẳng định: “Thay cho cách học truyền thống, trong đó giáo viên truyền thụ kiến thức, học sinh lĩnh hội một chiều, phương pháp học theo dự án (còn gọi học theo chủ điểm) sẽ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và kỹ năng thực hành cho học sinh. Ngoài ra, các em còn được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, phương pháp học tập theo nhóm, hình thành thói quen đặt câu hỏi vì sao trước mọi vấn đề”. Đây cũng là một trong những mục tiêu của dự án SEQAP - chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục tiểu học do Bộ GD-ĐT triển khai tại 36 tỉnh, thành phố trên cả nước từ tháng 3-2010.

Băn khoăn lộ trình thực hiện

Mặc dù nhận được nhiều ủng hộ từ phía những người làm công tác giảng dạy, tuy nhiên khi đối chiếu vào khung chương trình của Bộ GD-ĐT, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn TPHCM cho biết: “Với cách học hành, thi cử hiện nay ở nước ta, muốn đổi mới hoàn toàn phương pháp giảng dạy cũng rất khó”. Bởi lẽ mục đích sau cùng của các kỳ thi hiện nay vẫn là kiểm tra mức độ ghi nhớ lý thuyết, giáo viên đếm ý cho điểm theo một barem sẵn có. Thế nên dù được khuyến khích, các trường cũng không dám mạnh dạn thay đổi hoàn toàn cách dạy truyền thống. Đó là chưa kể theo khẳng định của ông Nguyễn Trí Minh, Trưởng phòng dự án của Công ty cổ phần Mạng trực tuyến Việt Sin - đơn vị hỗ trợ cung cấp các loại thiết bị công nghệ số: “Các phần mềm ứng dụng thực hành hiện nay hầu hết đều có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, dù đã được biên tập lại theo hướng Việt hóa để phù hợp với chương trình ở Việt Nam nhưng chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% - 70% nội dung chương trình SGK”. Do đó khi triển khai vào thực tế, thiệt thòi lớn nhất về mặt điểm số vẫn thuộc về học sinh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành khung chuẩn kiến thức của từng bậc học. Theo đó, yêu cầu về kiểm tra, đánh giá cần được đổi mới theo hướng đánh giá toàn diện năng lực người học, giáo viên không còn bị áp lực về điểm số, thành tích, phương pháp giảng dạy vì thế mới thật sự được “cởi trói”. Thêm vào đó, vấn đề kinh phí tổ chức cũng là một trong những bài toán khó khiến các trường ngại trong việc áp dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại. Báo cáo kinh phí dự trù của nhà sản xuất, trọn bộ mô hình “Nhà thám hiểm khoa học trẻ” có giá từ khoảng 300 - 400 triệu đồng/trường học. Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, việc kêu gọi phụ huynh đóng góp theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều trở ngại vì không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện đóng góp. Trước mắt TPHCM chỉ thực hiện thí điểm mô hình này ở 2 trường tiểu học trên địa bàn quận 1 là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Ngọc Hân. Về lâu dài, cần có sự tính toán vào cuộc của nhiều đơn vị chức năng, làm sao để vừa đảm bảo yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học vừa không làm ảnh hưởng đến quyền lợi được học tập bình đẳng của tất cả học sinh.

THU TÂM (SGGP)