Thứ năm, 24/1/2013, 15h01

Đột phá phát triển đội ngũ giáo viên

Đây phải được xem là khâu cốt tử, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngày 23-1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 trực tuyến qua sáu điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. GS-TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, bày tỏ: “Báo cáo triển khai chiến lược của Bộ GD&ĐT đưa ra chậm hơn so với thời gian, vì hiện nay đã là năm 2013, còn chiến lược từ 2011 đến 2020”.
Mục tiêu quá lớn!
PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Hầu hết đại biểu ở đầu cầu Cần Thơ đều nhận xét qua trình bày của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chúng tôi chưa nhận thấy được sự thay đổi của ngành giáo dục”. GS-TS Đặng Kim Vui cũng cho rằng: “Một số mục tiêu quá lớn, một số tiêu chí đặt ra quá cao”.
Theo đó, việc “tăng cường tổ chức dạy học hai buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện” chưa phù hợp với điều kiện ở vùng sâu vùng xa còn khó khăn. Ngay cả học một buổi còn thiếu phòng thì nói gì đến hai buổi/ngày. Chưa kể, học sinh vùng sâu vùng xa nếu học hai buổi/ngày thì phải ở lại trường, điều kiện cho các em ăn ở thế nào... Thêm vào đó, khi học hai buổi/ngày thì hệ số giáo viên cũng phải tăng.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Để học sinh học được hai buổi/ngày thì phải có đất đai để xây trường. Nhưng hiện nay đất đai hầu như chưa được ưu tiên!”.
Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên đầu tư cho các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM trong giờ học. Đây là trường nghèo ở xã đảo Thạnh An. Ảnh: QUỐC DŨNG
Ưu tiên giáo viên
Yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục là con người. Tuy nhiên, GS-TS Đặng Kim Vui dẫn chứng: “Chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay thấp, không đạt chuẩn. Vừa qua chúng ta thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia và có đánh giá chất lượng giáo viên tiếng Anh ở các trường phổ thông. Qua đánh giá cho thấy tỉ lệ giáo viên không đạt chuẩn rất cao. Chỉ mới có môn tiếng Anh, còn các môn khác thì chưa được đánh giá chuẩn. Cần có chiến lược cụ thể về tiêu chuẩn giáo viên, còn những người không đạt chuẩn thì sẽ như thế nào”.
PGS-TS Hà Thanh Toàn cũng cho rằng quan tâm trước hết là đội ngũ giáo viên, sau đó là việc thay đổi sách giáo khoa, chương trình… Điều quan trọng nhất là nên có chính sách của Chính phủ về cơ cấu giáo viên ở các ngành nghề khác nhau, cũng như các vùng, miền… PGS-TS Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, đề xuất: “Cần có chính sách đối với giáo viên. Đây phải được xem là khâu đột phá trong vấn đề đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên còn chưa yên tâm với nghề nghiệp của mình thì giáo dục đào tạo chưa thể thành quốc sách hàng đầu theo mong muốn được. Vì vậy, Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm đào tạo giáo viên và cụ thể hóa các chính sách để thu hút học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm.
Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Chúng ta phải làm sao giải quyết được việc làm sau tốt nghiệp thì mới thu hút được học sinh giỏi. Muốn thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm phải có chính sách đãi ngộ tốt, đặc biệt là lương”.
Phân luồng học sinh sau THCS
ThS Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: “Mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS đến năm 2020 dự kiến có 30% học sinh học nghề. Định hướng là đúng nhưng khó có tính khả thi thực tế, vì hệ thống giáo dục thường xuyên ở các tỉnh chưa phát triển. Hầu hết học sinh học xong lớp 9 cũng không quan tâm việc rẽ hướng sang trường nghề”.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng đánh giá: “Đào tạo ở tất cả ngành nghề hiện nay chưa có sự gắn kết nhu cầu xã hội. Khi các trường ĐH, CĐ, các trường nghề lập kế hoạch đào tạo chỉ xác định trên cơ sở lĩnh vực đào tạo như đội ngũ giảng viên, diện tích mặt bằng… chứ chưa nắm nhu cầu cụ thể của xã hội. Các địa phương khi có kế hoạch tuyển dụng cần có sự phối hợp với các trường ĐH, CĐ, các trường nghề”.
Đầu tư hai ĐH sư phạm trọng điểm
Hiện nay không chỉ giáo viên chưa đạt chuẩn mà ngay trong giáo viên đạt chuẩn thì bằng cấp của nhiều người cũng chưa đạt trình độ thật sự. Chúng tôi sẽ giải quyết từng bước.
Hai trường ĐH sư phạm trọng điểm là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ được đầu tư về tài chính và nâng cao chất lượng đội ngũ. Trên cơ sở đó sẽ thay đổi căn bản chương trình nội dung phương pháp dạy, học trong trường sư phạm để lấy đó làm nguồn lực thay đổi của giáo dục phổ thông.
Thời gian tới Bộ sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho mầm non năm tuổi để thực hiện phổ cập bậc học này; ưu tiên đầu tư cho các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn… Việc phân luồng học sinh sau THCS vào học các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp không phải đơn giản. Các trường phải có chất lượng tốt và phải cung cấp được lao động mà thị trường lao động đáp ứng. Học viên học xong có nghề, có thu nhập tốt thì “hữu xạ tự nhiên hương”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Hai giai đoạn thực hiện chiến lược:
Giai đoạn 1 (2011-2015):thực hiện đổi mới quản lý giáo dục; hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng khung trình độ quốc gia; triển khai xây dựng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ĐH chất lượng cao và trường ĐH theo định hướng nghiên cứu; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ở các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp; đào tạo bồi dưỡng và thực hiện các chính sách tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục …
Giai đoạn 2 (2016-2020): Triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ĐH và một số nhiệm vụ của giai đoạn 1 với các điều chỉnh bổ sung; tập trung củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.
QUỐC DŨNG
Theo Pháp Luật TP