Thứ ba, 27/1/2015, 23h01

Dùng thước để dạy?

Năm học 2012-2013, ngành giáo dục có thông báo nhắc lại: Giáo viên (GV) không được dùng đòn roi để đánh phạt học sinh (HS), kể cả cấm GV không được mang thước vào lớp học, cho dù GV mang thước vào lớp để gõ xuống bàn, gõ lên bảng, để làm ký hiệu cho HS ổn định trật tự hay nhịp cho các em đọc bài đồng thanh. Nhưng trong thực tế vẫn còn có GV vô tình hay cố ý mang thước kẻ vào lớp học, và trong lúc dạy do hạn chế phương pháp giảng dạy hay trình độ chuyên môn, hoặc bản thân nóng giận không kiềm chế được đã đánh HS dù là khẽ nhẹ vào tay răn đe. Hành vi ấy của GV đã xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự HS, vi phạm điều lệ trường phổ thông...
Bạn tôi là GV nằm trong mạng lưới chuyên môn của Phòng GD-ĐT kể: Trong một lần kiểm tra chuyên môn lớp 1 ở trường nọ, sau khi dự giờ xong, tôi muốn tự mình kiểm tra xem GV dạy lớp đó có chấp hành đúng chỉ thị nghiêm cấm dùng đòn roi phạt HS không. Vì vậy tôi đã hỏi cả lớp: “Các em hôm nay học rất ngoan, thầy khen các em nhiều lắm nhưng cho thầy hỏi: Những lúc các em học không ngoan như làm bài không được hay nói chuyện trong giờ học, cô giáo có đánh các em không?”. Nghe tôi hỏi, HS trong lớp nhìn nhau, có em nói: “Cô không có đánh bạn nào hết thầy ơi!”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy mà sáng nay trước khi vào lớp, thầy đã nghe nói trong lớp này ngày hôm qua có em A. không đọc bài được bị cô đánh 2 roi, có đúng không?”. “Hôm trước bạn B. còn bị cô đánh 3 roi đó thầy”, một em lên tiếng. Cả lớp bắt đầu nhốn nháo lên.
Tôi tiếp tục hỏi: “Bạn nào bị đánh đòn nhiều và thường xuyên nhất, các em thử kể tên ra, và thầy đề nghị bạn nào bị nêu tên đứng lên cho thầy xem”. Các em HS bắt đầu kể và những em được bạn nêu tên lần lượt đứng lên; sau đó tôi hỏi kỹ lại những em đứng lên đã từng bị cô phạt phải không?, các em đều gật đầu đồng ý. Tôi đếm tất cả có 15 em đã bị cô giáo phạt (tỉ lệ gần 50% vì lớp có 35 em). Sau đó tôi cầm cây thước mê-ca đưa lên nói: “Chắc cô các em dùng cây thước này để đánh nhẹ chứ gì?”, “Không phải cây thước đó đâu thầy, cây thước bằng gỗ lớn và dài lắm đó thầy!”, một em cho biết. “Sao thầy không thấy cây thước đó ở trên bàn cô giáo?”, “Cô cất cây thước đó trong tủ đó thầy!”, em khác tiết lộ…
Khi đã kiểm tra xong, tôi trao đổi góp ý với cô giáo bằng lời chân thật: “Cô đã nghe HS lớp mình dạy nói với tôi những gì rồi đó. Cô đã dùng đòn roi với HS, tôi không dám nói là cô yếu kém trong phương pháp giáo dục nhưng là đã vi phạm điều lệ nhà trường. Mong cô hãy nhớ điều này trong lòng nếu mình thật sự tâm huyết với nghề, yêu nghề”. Cô giáo gật đầu nhận ra lỗi của mình và hứa với tôi sẽ không dùng đòn roi trong giảng dạy nữa.
Trần Văn Tám (TP.HCM)