Thứ tư, 6/4/2011, 17h04

Đừng xem nhẹ tiết kể chuyện

Kể chuyện không chỉ quan trọng trong môn tiếng Việt mà còn giúp HS rất nhiều trong việc học các môn học khác (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Chương trình tiểu học từ học kì II của lớp 1 đến lớp 5 đều có tiết kể chuyện. Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, học sinh (HS) rất thích nghe kể chuyện. Tuy nhiên, theo yêu cầu phân môn kể chuyện của môn tiếng Việt, các em phải kể lại được câu chuyện. Điều này rất khó với HS vì các em phải nhớ nội dung chuyện, phải diễn đạt lại bằng lời nói của chính mình và phải kể trước đông người (thầy cô, bạn bè…). Chính vì các em khó có thể kể lại được nhất là HS nhút nhát, tiếp thu chậm mà gần như trong tiết kể chuyện giáo viên chỉ kể cho các em nghe và chỉ cho 1, 2 HS giỏi, dạn dĩ kể lại để không mất thời gian giảng dạy môn khác. Đến khi lên lớp 5, gần như HS không thể kể được, nhất là các chuyện kể theo đề tài hoặc là chuyện các em chứng kiến hay tham gia. Bởi để kể được, HS phải tự nhớ lại, tự tìm câu chuyện rồi diễn đạt bằng từ ngữ của mình trước mọi người và thế là tiết kể chuyện ở lớp 5, thầy cô lại “độc diễn” cùng với vài HS nổi trội của lớp như các lớp dưới. Vậy là mục tiêu của phân môn kể chuyện xuyên suốt chương trình tiểu học đã không đạt hiệu quả.
Phân môn kể chuyện, theo tôi, không những hết sức quan trọng trong bộ môn tiếng Việt ở tiểu học mà nó còn giúp HS rất nhiều trong việc học các môn khác, trong đời sống… Dạy tốt kể chuyện, trước tiên là chúng ta đã giúp HS tập thói quen nắm bắt được nội dung nhanh, tóm tắt được ý chính, có ích cho các em rất nhiều khi học các môn khác. Bởi vì, khi kể, các em phải vận dụng vốn từ ngữ của mình kết hợp với kiến thức ngữ pháp đã học để dùng từ chính xác, rõ ràng; liên kết câu chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc nội dung cần kể. Kể trước mọi người còn rèn cho các em sự tự tin, phong cách chuẩn mực khi trình bày trước tập thể. Qua kể chuyện, chúng ta còn luyện cho HS phát âm tròn vành rõ chữ để thu hút người nghe, hỗ trợ nhiều cho phân môn tập đọc và nói chuyện với mọi người trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Diễn đạt tốt tức là các em có vốn từ phong phú, biết liên kết câu, ý vững vàng, giúp các em rất nhiều trong tập làm văn và tạo điều kiện thực hành được những gì mình đã học trong phân môn luyện từ và câu. Mỗi câu chuyện đều có ý nghĩa, vì thế qua mỗi chuyện kể, giáo viên đã giáo dục các em điều hay lẽ phải, lối sống tốt đẹp, kĩ năng sống... Chưa kể đến khi nghe bạn kể, HS khác tập thói quen lắng nghe bạn nói, kể để sau đó nhận xét cách kể hay bổ sung về nội dung ý nghĩa chuyện. đây là thói quen tốt và rất cần thiết.
Học tốt môn kể chuyện ở tiểu học sẽ giúp HS học tốt ở các bậc học tiếp theo, bởi các kĩ năng mà môn kể chuyện ở tiểu học đã rèn luyện được sẽ theo các em suốt những năm tháng học hành. Các kĩ năng ấy cũng rất cần thiết cho các em lúc trưởng thành, khi làm việc, cần trình bày một vấn đề trước đám đông sẽ tự tin, diễn giải một vấn đề mạch lạc, trôi chảy, đúng trọng tâm. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi ở giáo viên phải xem trọng phân môn kể chuyện. Giáo viên lớp 1 chính là người gặp nhiều khó khăn nhất để dạy môn này. Sự kiên nhẫn, chú ý tập các em kể từng ý nhỏ, từng đoạn, rồi tập dần các em kể cả câu chuyện. Việc đó cần ở giáo viên rất nhiều công sức, nhưng nếu giáo viên lớp 1 làm tốt được điều này thì thầy cô các lớp kế tiếp sẽ dễ dàng nâng cao khả năng kể chuyện của HS, giúp ích cho các em rất nhiều. Kể chuyện không chỉ là môn học làm HS thư giãn như nhiều giáo viên đã nghĩ.
Lê Phương Trí