Thứ ba, 29/7/2014, 22h07

Giáo dục phổ thông Việt Nam: 12 năm hay 11 năm?: Sẽ vô nghĩa nếu vừa giảm tải lại rút thời gian học

Bàn về khung chương trình dạy học phổ thông ở Việt Nam hiện nay, theo tôi, chọn phương án 12 năm là hợp lý nhất. Ngoài những lý do chung mà nhiều ý kiến trước đây đã nêu, tôi có vài suy nghĩ như sau:
Vấn đề thời gian học phổ thông phụ thuộc vào nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Trước đây, học 10 năm là hợp lý, vì chúng ta cần tập trung các nguồn lực cho hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Còn tại thời điểm hiện nay, chúng ta đang thực hiện giảm tải nội dung chương trình mà lại giảm cả thời gian học thì không có ý nghĩa. Trong một thời gian dài, sản phẩm của giáo dục chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội (một trong những minh chứng là Bài toán tính tuổi của thuyền trưởng; hay như bây giờ vẫn còn bàn luận về khái niệm giáo dục toàn diện...) thì việc giữ nguyên 12 năm ở bậc phổ thông là cần thiết để giáo dục học sinh, đảm bảo mục tiêu đào tạo theo Luật Giáo dục; trong đó thực sựquan tâm giáo dục đạo đức học sinh, không phải bằng các mỹ từ mà phải hướng các em thể hiện bằng các hành vi, như: Lòng tự tôn dân tộc, tôn trọng quốc kỳ, nghiêm túc trong chào cờ, kính trên nhường dưới; có lòng biết ơn; biết giúp đỡ mọi người, có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử...
Để đổi mới giáo dục, theo tôi, trước mắt là phải đổi mới tư duy của lãnh đạo ngành. Quyền phải đi đôi với trách nhiệm, phải có bản lĩnh (làm sao có chuyện cán bộ của một bộ lại bị khớp trong các cuộc họp Trung ương; con số 34.000 tỷ đồng sách giáo khoa (SGK) tự nhiên mà có và chẳng ai chịu trách nhiệm; phân ban hiện nay đã đến đâu rồi? Thông tư 58 ra đời tôi có cảm giác như dấu hiệu báo tử cho phân ban. Đến khi đề tuyển sinh ĐH bỏ phần tự chọn, tôi nghĩ phân ban... đã “chết” thật. Thế mà Bộ GD-ĐT không có một lời thông báo cho giáo viên và học sinh trước kỳ thi ĐH, CĐ!). Sau đó là quan tâm đào tạo và tuyển dụng đội ngũ giáo viên (thực tế có nhiều việc cần bàn về đội ngũ giáo viên).
Do đó, theo tôi, việc rút ngắn khung thời gian học phổ thông xuống còn 11 năm (nếu có) thì chưa nên làm ngay, bởi thực tế chúng ta chưa chuẩn bị tốt. Đơn cử như vụ việc 34.000 tỷ đồng cho SGK hay thi tốt nghiệp và ĐH “hai trong một”… Trước mắt, chúng ta nên từng bước thực hiện giảm tải (kiên quyết bỏ những nội dung không phù hợp cho từng ban), bổ sung những nội dung (tăng cường giáo dục đạo đức học sinh) có thể tiếp cận chương trình mới; cải tiến công tác thi, kiểm tra; đào tạo đội ngũ quản lý, giáo viên... Như thế cũng là đang đổi mới rồi còn gì!
Với những phân tích trên, theo tôi, vẫn giữ nguyên khung thời gian dạy học phổ thông 12 năm ở nước ta là sự lựa chọn hợp lý.
Phan Văn Tánh (Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng)