Thứ hai, 24/11/2014, 20h11

Hãy ước vọng để thấy đời mênh mông

“Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao
Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông…”

 

Bằng hình thức truyền lửa đó, cô Hoàng Thị Xuân Thanh - cán bộ thư viện (CBTV), Trường THCS Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh đã biến một công việc tưởng chừng khô khan, thành niềm đam mê cho tất cả mọi người!
Không để “kho kiến thức” bị chôn vùi
Tìm tới thư viện Trường THCS Phạm Văn Hai vào buổi chiều nắng nhẹ, không khí trong lành như tiếp thêm cho tôi sức lực sau quãng đường dài. Từ xa, một giọng hát với những lời ca êm ái, lúc bổng lúc trầm du dương “…Em yêu phút giây này, thầy em tóc như bạc thêm, bạc thêm vì bụi phấn, cho em bài học hay. Mai sau lớn nên người, làm sao có thể nào quên, ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ…”. Rồi sau đó, một giọng nói nhẹ nhàng giải thích: Nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cô muốn giới thiệu với các em cuốn sách mang ý nghĩa của bài hát Bụi phấn mà cô vừa hát tặng cho các em nghe, đó là cuốn Người thắp sáng ước mơ, rồi cô diễn giải: Thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức, dạy dỗ ta nên người mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là người khơi dậy và nhận ra tiềm năng trong ta, giúp ta thắp sáng ước mơ, nuôi dưỡng và biến nó thành hiện thực… Nhìn tôi, ThS. Nguyễn Quốc Thanh Long, Hiệu trưởng nhà trường khoe: Đó là giọng ca vàng của trường tôi, người đem về rất nhiều huy chương vàng cấp cụm, cấp huyện, bạn biết ai không? Đó là giọng hát của cô Hoàng Thị Xuân Thanh.
Chúng tôi nhẹ bước, tìm chỗ khuất trong thư viện trường, ngồi quan sát để không ảnh hưởng tới buổi giới thiệu sách của cô Thanh. Hai anh em như bị mê hoặc bởi không gian của thư viện, được sắp xếp gọn gàng, khoa học và rất bắt mắt. “Cuốn sách này với những câu chuyện khi thì nhẹ nhàng - sâu lắng, lúc lại xúc động - bồi hồi, là những lời tri ân ngọt ngào mà chúng ta dành tặng thầy cô giáo, những người thắp sáng ước mơ trong ta để soi tỏ mỗi bước ta đi trong đời”, cô Thanh kết luận.
HS về lớp, bất ngờ nhận ra những vị khách “không mời”, cô Thanh bối rối: “Các thầy thấy, tôi giới thiệu cuốn sách Người thắp sáng ước mơ có thiếu ý gì không ạ?”. Những tràng pháo tay vang lên, khuôn mặt rạng ngời, cô Thanh chia sẻ: Sách báo là thiết bị chủ yếu của việc dạy và học. Nó không chỉ là vật chất đơn thuần mà là một loại vật chất đặc biệt… Sở dĩ tôi dùng từ “nghệ thuật giới thiệu sách”, thay vì hoạt động giới thiệu sách hay công tác giới thiệu sách là vì công việc này không đơn giản. Các khâu quản lý, kỹ thuật nghiệp vụ chỉ cần người CBTV siêng năng, chu đáo, cẩn thận, nắm vững chuyên môn là có thể hoàn thành tốt công việc. Nhưng đối với giới thiệu sách thì đòi hỏi tính nghệ thuật cao. Vì nếu giới thiệu một cách đơn điệu, khô khan, cầm tờ giấy mà đọc, lời văn không lưu loát, giọng nói ấp úng… thì bạn đọc không ai chú ý, quan tâm theo dõi. “Vì vậy, vai trò, nhiệm vụ của CBTV rất quan trọng, CBTV phải luôn xem tài sản của nhà trường cũng như tài sản của mình, đừng để những tài sản, những kiến thức đó chôn vùi theo năm tháng. Phải vận hành triệt để kho sách thư viện, phát huy tác dụng của sách đối với bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của GV, mở rộng kiến thức, xây dựng thói quen tự học của HS”, cô Thanh bộc bạch.
Yêu nghề - nghề không phụ
Ngày 20-11 năm học 2004-2005, đang quây quần bên học trò, tôi nhận được tin nhắn: Có người đang đợi ngoài cổng trường. Đi ra, nhìn trước ngó sau không thấy ai, bất chợt có tiếng gọi: “Cô ơi, cô Thanh ơi”, chưa nhận ra ai thì em đi tới, hai tay dâng tặng cho tôi bó hoa. Em nhỏ nhẹ: “Thưa cô em là Ngọc mà cô hay cho em nghỉ trưa trong thư viện và sách tập thường xuyên đây ạ”. Thấy mắt mình cay xè khi đôi bàn tay em nứt nẻ, có chỗ trầy xước rướm máu. Tôi nhận ra cô bé Ngọc ngoan hiền, hiếu thảo và học giỏi ngày nào, cuộc sống quá cơ cực em đành phải từ bỏ ước mơ tới trường để đi làm phụ giúp gia đình, cô Thanh bồi hồi.
Cô Thanh nhớ lại: Năm 1989, tôi về công tác tại trường, lúc đó có nhiều người hỏi “bạn làm nghề gì?, tôi trả lời: “Nghề thư viện”,“thư viện cógì đâu mà làm?”… Rồi đến ngày 20-11 những năm trước, tôi ít khi có mặt vì ngày đó tôi rất… buồn! Các em HS chỉ vây quanh thầy cô giáo, người trực tiếp giảng dạy để chúc mừng, tặng hoa, còn như tôi và một số đồng nghiệp công tác văn phòng, một lời thăm hỏi cũng rất hiếm hoi... Chỉ tay về dãy phòng học cũ còn lại, cô Thanh tâm sự: Những năm trước, thư viện nói cho có chứ thực tế được ghép chung với nhiều phòng chức năng khác, kệ sách, bàn ghế chắp vá, máy tính không có, tất cả đều phải làm thủ công. HS vẫn tìm tới để đọc sách, tìm tài liệu tham khảo, quan sát bữa trưa với khoai mì hoặc cơm với cá khô… tôi không kìm được lòng nhưng những tiếng cười vô tư, trong sáng của các em đã giúp tôi “thức tỉnh”. Không còn ý định bỏ việc, tiếp tục mày mò, học hỏi đồng nghiệp để trang bị lại phòng ốc, tìm hay đi xin các đầu sách thư viện còn thiếu hoặc vận động mạnh thường quân cho sách. Sau chuỗi ngày đó, thư viện cũng cơ bản có đủ sách để GV, HS tham khảo, tìm đọc, tôi còn xây dựng được “tổ mạng lưới thư viện” với cộng tác viên là GV, HS và rất nhiều phụ huynh khác. Cô Thanh thổ lộ: “Bây giờ, không có năm nào ngày 20-11 tôi vắng mặt, tôi còn chuẩn bị trước một bộ áo dài thật đẹp, bài hát thật hay, thật có ý nghĩa để hát tặng đồng nghiệp và học trò. Ngày này, hoa và những lời chúc ý nghĩa theo ý thức của trẻ con làm tôi ấm lòng!”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
 
Tấm gương sáng
Thầy Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh nhìn nhận: “THCS Phạm Văn Hai là trường vùng xa, nghèo nhất huyện, nhưng cô Thanh cũng như nhiều thầy cô khác không bao giờ buông xuôi. Từ năm 2007 đến nay, với sự tận tâm, sáng tạo trong công tác thư viện, cô Thanh đã biên soạn được 4 chuyên đề giới thiệu sách của 4 bộ môn: Tiếng Anh; sinh; sử; địa là tài liệu quý không chỉ cho CBTV trong huyện mà cả TP.HCM học hỏi, được Nhà xuất bản GDVN và nhiều chuyên gia tham khảo, dẫn nguồn. Bên cạnh đó, mạng lưới thư viện hoạt động mạnh và rất hiệu quả. Ba lần đạt giải cao nhất của TP.HCM và toàn quốc, cô Thanh chính là tấm gương sáng mà ngành GD-ĐT Bình Chánh may mắn có được!”.