Thứ năm, 17/4/2014, 22h04

Hiểu đúng để làm đúng!

Chúng ta đang hô hào “đổi mới”. Thế nhưng vấn đề không nhất thiết là phải đổi mới tất cả. Cái gì cần đổi mới thì phải đổi mới - điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng, thời đại mới. Có giáo viên nêu: “Rất khó có thể đổi mới các bước dạy chính tả, lâu nay, dường như đã quá chuẩn…”. “Đã quá chuẩn thì còn đổi mới làm gì?”. Cứ theo chuẩn mực đó mà dạy rồi rút ra kinh nghiệm. Có khi giáo viên chưa thực hiện “đúng chuẩn” nên hiệu quả chưa cao mà thôi. Chúng ta cứ đề ra thật cụ thể, thật chi tiết quy trình thực hiện các bước tiến hành với nội dung cụ thể sẽ ra kết quả. Có “mới” hay không mọi người khắc nhận biết. Vậy, có nhất thiết phải thay đổi trình tự dạy để có tiếng là “đổi mới” không? Theo tôi, giáo viên nên nghiên cứu kỹ nội dung và trình tự 3 bước dạy một bài chính tả đã có từ lâu mà hiệu quả rất cao!
Thứ nhất, bài tập đọc có nhiều từ dễ viết sai (chương trình đã qui định). Phần đọc để nắm sơ lược nội dung là phần phụ. Yêu cầu chính của bài này là giảng giải, cung cấp kiến thức viết đúng chính tả các từ ngữ trong bài yêu cầu (thí dụ: Sau phụ âm c, k là những nguyên âm nào; sau phụ âm g, gh, ng, ngh là những nguyên âm nào. Cách viết danh từ riêng, đơn và kép… (chị Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai), chức vụ phải viết thế nào...). Thứ hai, phần luyện tập: Sau khi hướng dẫn viết cụ thể các từ trong bài, giáo viên khái quát và đúc kết lại thành “qui tắc viết đúng chính tả” xong, giáo viên cho các em làm bài tập ở bảng con. Viết xong các từ đã học, giáo viên sửa chữa chung và củng cố lại kiến thức đã học. Thứ ba, bài viết chính tả: Thực tế là bài kiểm tra trích 1 đoạn bài tập đọc ban đầu để viết (đoạn có nhiều từ dễ viết sai chính tả). Trả bài viết lại là một bước tiếp tục củng cố kiến thức viết đúng chính tả. Tuy là một “đoạn trích” song cũng phải chú ý cắt xén thế nào cho trọn ý.
Tôi cũng nhất trí với tác giả Lê Phương Trí trong bài viết “Đổi mới dạy chính tả” (Giáo dục TP.HCM, ngày 31-3-2014) là không nhất thiết tiết học nào cũng phải có trò chơi. Chơi sẽ làm loãng đi giờ học nghiêm túc. Thường thì lao động trí óc phải tập trung tư tưởng cao. Vui chơi là cần thiết song không lạm dụng, làm phản tác dụng, dù đó là học sinh tiểu học. Vì trong chương trình học của tiểu học đã có định mức, định lượng nội dung cũng như giờ giấc.
Phải hiểu đúng “đổi mới”, thì mới có thể “đổi mới” đúng, hiệu quả.
Tôn Tuyết Dung