Thứ sáu, 15/10/2010, 15h10

Hụt hẫng

“Cô ơi, trước đây em được ngân hàng cho vay tiền đóng học phí, nhưng bây giờ còn một năm cuối, tự nhiên ngân hàng cắt không cho em vay nữa là sao vậy cô? Ngân hàng làm thế là đúng hay sai?”. Giữa trưa, chuông điện thoại reo liên hồi, dù đang bữa cơm tôi vẫn không thể không nhận máy, vì đó là điện thoại của một học trò cũ. Bất ngờ trước câu hỏi của sinh viên nọ, tôi chỉ kịp giải thích khái quát nhằm trấn an cho em yên tâm, có lẽ vì tôi cũng khá bất ngờ trước thông tin trên.
Theo quy định mới về sự thay đổi này, chỉ áp dụng với đối tượng thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, (các đối tượng khác không điều chỉnh). Theo đó, những trường hợp vay mới từ năm học 2010-2011 sẽ áp dụng được vay tối đa 12 tháng. Riêng những đối tượng đã được xét cho vay từ những năm học trước sẽ được rà soát, phân loại để áp dụng chính sách ưu đãi theo quy định mới hợp lý hơn. Và như vậy, những trường hợp đã được vay quá thời hạn 12 tháng thì sẽ phải ngưng lại vì đã vượt qua “khó khăn đột xuất” nên không đủ điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi nữa!? Nếu diện đối tượng sinh viên này muốn được tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi từ chương trình tín dụng đào tạo, phải “chứng minh” mình đã gặp một “khó khăn đột xuất” khác mới được xem xét cho vay đợt khác theo thời hạn 12 tháng của quy định mới. Ra thế! đây là sự điều chỉnh chính sách mà theo một vị lãnh đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội mục đích nhằm “chú trọng đến đối tượng và công bằng trong việc được thụ hưởng chính sách. Không thể lấy một thời điểm đột xuất để làm cơ sở áp dụng cho cả bốn năm học” như suốt thời gian triển khai chương trình vừa qua.
Theo số lượng thống kê từ ngân hàng này, tỉ lệ đối tượng “khó khăn đột xuất” thuộc diện “điều chỉnh” chỉ chiếm trên dưới 20%. Thế mà nó đã làm cho các đơn vị chức năng phải ra quy định mới để “kịp thời” chấn chỉnh thì quả là bất nhẫn với các sinh viên có gia đình khó khăn thật sự hoặc không có tình huống “khó khăn đột xuất mới”. Dù theo quy định, các đối tượng này có thể chuyển qua diện khác hoặc khó khăn khác (nếu có) để tiến hành thủ tục vay mới. Thế nhưng điều đó cũng không thể giúp các em yên tâm đến trường. Đó chính là vì sự bất cập trong việc áp dụng quy định mới. Thiết nghĩ, việc áp dụng luật phải trên cơ sở cân nhắc tính thực tế, có giai đoạn chuyển đổi thích hợp và phải mang tính khả thi. Xin đừng để các em tự bơi giữa dòng như thế. Hụt hẫng quá!
LS. Trần Thị Phụng