Thứ tư, 25/4/2012, 10h04

Kiểm định chất lượng các trường ngoài công lập: Chuẩn chung hay chuẩn riêng?

Đến thời điểm này, bên cạnh việc giãi bày khó khăn hay kiến nghị thay đổi về cơ chế... để “cứu” dân lập, thì khối trường này đã có sự nhìn nhận nghiêm túc, đầy đủ hơn về những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, để bảo đảm và nâng cao uy tín cho mình.

Theo chuẩn chung sẽ “vấp”

Mới đây, trong cuộc họp báo trước đại hội nhiệm kỳ 2012 - 2017 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, ông Trần Hồng Quân - Chủ tịch hiệp hội - cho biết, sắp tới hiệp hội sẽ tập trung hỗ trợ các trường ngoài công lập thực hiện công tác kiểm định chất lượng trong hệ thống.

Theo đó, trong năm tới hiệp hội sẽ thành lập Viện Nghiên cứu phát triển nhân lực và thành lập Trung tâm Đánh giá và kiểm định chất lượng, để phục vụ các trường trong hệ thống. Một ban kiểm định sẽ được lập ra để tiến hành kiểm định nội bộ các trường thành viên, phát hiện các thiếu sót, yếu kém của các trường để sửa chữa, nâng cao chất lượng. Mặc dù lãnh đạo hiệp hội chưa đề cập cụ thể hơn, song những khó khăn, khác biệt của các trường ngoài công lập (NCL) trong công tác kiểm định là điều có thể nhìn thấy trước.

Thư viện Trường ĐH dân lập Hải Phòng. Ảnh: NGỌC TRÂM

Theo Phó Hiệu trưởng Võ Xuân Đàn - Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM - từ thực tiễn trường mình nhìn ra các trường NCL, công tác kiểm định đang “vấp” khi xét tới một số tiêu chí quan trọng, như tiêu chí về giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng. Theo ông Đàn, nếu tính tỉ lệ giảng viên cơ hữu để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, thì các trường ĐH NCL khó có thể đủ tiêu chuẩn. Song, chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học lại vượt tiêu chuẩn quy định. Như vậy, vấn đề cơ hữu của đội ngũ giảng viên trường NCL cần được nhận diện như thế nào cho đúng với ý nghĩa và giá trị của nó. Hay như tiêu chí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường NCL và công lập có sự khác nhau về đầu tư. Nếu trường công được Nhà nước cấp kinh phí, thì trường NCL không có khoản kinh phí này, mà chỉ cân đối trong nguồn thu của trường. Vậy, không thể áp dụng một chuẩn như nhau về số lượng và tỉ lệ đề tài với hai hệ thống này...

Với những khác biệt này, một số lãnh đạo đã cho rằng, nên có các tiêu chí kiểm định riêng cho các trường NCL. Ông Nguyễn Quốc Hợp - Trường ĐHDL Văn Hiến - nhận định: “Tôi đánh giá đây là một hướng đi tất yếu của sự phát triển giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục NCL nói riêng. Theo tôi hiểu, vấn đề này sẽ liên quan đến việc phân tầng để đánh giá chuẩn của từng trường. Từ đó, trường sẽ có động lực để đầu tư xây dựng hình ảnh của trường mình sao cho thật sự tốt hơn để, mới có thể “sống được” trong môi trường cạnh tranh giáo dục ngày càng trở nên “gay gắt” hơn”. Phân tích vấn đề cụ thể hơn, ông Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHDL Văn Lang - đưa ra quan điểm: “Tuy mới dừng ở ý tưởng ban đầu, song tôi có thể hình dung ra việc xây dựng chuẩn này là việc làm rất cần được triển khai gấp rút, cần được ủng hộ. Có thể xem đây là hướng đi tất yếu của các trường”.

Chuẩn riêng phải chờ... 10 - 20 năm nữa?

Cũng ủng hộ, song còn e dè hơn, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Quốc tế Hồng Bàng - ông Nguyễn Mạnh Hùng - cho rằng: “Đây là một ý tưởng đẹp. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm thực tế chỉ chừng chưa đầy 30 năm của khối trường NCL hiện nay, thì thực lực chưa thể xây dựng được một chuẩn riêng cho mình. “Có chăng, chúng ta phải tác động để chuẩn chung của hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng hoàn tất nhanh hơn, để từ đó khối trường NCL “nương theo” cùng phấn đấu.

Bởi, ngay thời điểm hiện tại, trong “nội bộ” những trường NCL vẫn chưa thống nhất được tiêu chí về phương pháp sư phạm, thì nói chi đến việc xây dựng chuẩn chung phải bao gồm nhiều tiêu chí khác nữa? Ngoài ra, theo tôi, nếu xây dựng chuẩn riêng cho khối trường NCL ngay vào thời điểm hiện tại, thì vô hình trung tạo ra sự khác biệt giữa khối trường này và mãi mãi không thể hòa nhập chung với hình thức đào tạo công lập...”. Theo ông Hùng, thời điểm để ý tưởng này được xem là “chín muồi” thì còn phải chờ ít nhất 20 năm nữa.

Thể Uyên – Ngân Anh

Theo Lao Động