Thứ năm, 27/2/2014, 22h02

Làm thế nào để dạy thật - học thật?

Bắt đầu từ triết lý giáo dục

Một tiết dạy bằng giáo án điện tử. Ảnh: Anh Khôi
Đến nay, nhân loại đã có một số quan điểm về triết lý giáo dục ít nhiều có tính khả thi và phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.
Giữa thế kỷ XVIII, nhà tư tưởng người Pháp J.J. Rousseau (1712-1778) đã đưa ra ý tưởng cho rằng sứ mạng chủ yếu của giáo dục là làm cho cái bản tính tốt đẹp tự nhiên của con người được duy trì và phát triển, chứ không phải là đào tạo con người theo lợi ích của xã hội. Sau đó ít lâu, nhà triết học người Đức E.Kant (1724-1804) lại cho rằng con người là tạo vật duy nhất cần phải được giáo dục, và con người là những gì được giáo dục tạo nên... Sau này, một số nhà khoa học khác đã bổ sung thêm vai trò điều hành và giám sát của xã hội - nhà nước để dung hòa hai mục tiêu cơ bản của giáo dục là “hoàn thiện con người vì bản thân con người” và “cung cấp kỹ năng để phục vụ xã hội - nhà nước”.
1. Hơn một thế kỷ trước, nhà giáo dục học người Mỹ John Dewey (1859-1952) đã đề ra triết lý giáo dục với những điều cốt lõi: Mục tiêu tối hậu của giáo dục là gì, để đạt mục tiêu ấy cần phải hành động theo phương châm nào, bằng phương pháp nào… Ông chủ trương, giáo dục không chỉ như là quá trình truyền đạt mà chính là bản thân cuộc sống; nhà trường không tách rời khỏi xã hội; người học là trung tâm của quá trình giáo dục. Quan điểm này hiện cơ bản được các nước áp dụng.
Nhìn lại nền giáo dục nước ta những năm qua có thể thấy, chúng ta gần như chưa nhất quán một triết lý giáo dục. Chẳng hạn, giáo dục trên thực tế đã gắn với cuộc sống đến đâu, khi mà nội dung sách giáo khoa chậm đổi mới và có nhiều bất cập so với thực tiễn; việc thi cử, đánh giá, chọn ngành học đã bám sát thực tế thế nào khi mà vẫn còn nặng học thuộc lòng, đánh giá bằng con điểm, thi cử nặng nề và chọn ngành ở bậc ĐH theo phong trào chứ không phải theo nhu cầu xã hội… Hay nhà trường là một thực thể quan trọng của giáo dục và của xã hội nhưng sự gắn kết giữa nhà trường và xã hội thể hiện như thế nào lại là câu hỏi lớn; ngay cả việc gắn kết giữa nhà trường và gia đình cũng có khoảng cách không nhỏ. Hoặc, người học có thực sự là trung tâm của quá trình giáo dục hay chỉ là một thành tố bình thường để cùng những thành tố bình thường khác phục vụ cho thi đua, cho thành tích…? Ngay cả việc trả lời câu hỏi “học để làm gì” cũng không dễ dàng với từng cá nhân, học để biết, để áp dụng vào cuộc sống, để thi cử, để có bằng cấp, để cho “bằng chị bằng em”… Hình như mục tiêu giáo dục của nước ta hiện nay có mỗi thứ một ít trong những điều đó, nhưng với từng thực thể lại không giống nhau; chẳng hạn liệu nhà trường có chú trọng dạy để học trò thi đậu hết không, nhà quản lý giáo dục có phải quan tâm công tác thi đua của ngành tại địa phương mình tốt hơn địa phương khác không, cha mẹ có phải “gò” con mình học ngành thời thượng hoặc ngành mình thích mà ít chú tâm đến nguyện vọng của con không… Tất cả những điều đó làm người ta thấy rằng triết lý giáo dục của chúng ta mù mờ.
2. Vậy làm sao dạy thật, học thật được, khi mỗi chủ thể của giáo dục lại có mục tiêu riêng?
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, có lẽ nên xây dựng một triết lý giáo dục dựa trên quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục: Học đi đôi với hành. Đừng nghĩ đơn giản là học phải có thực hành, dù trên thực tế, thực hành là rất cần thiết nhưng lâu nay chúng ta chưa tôn trọng và thực hiện đầy đủ, đúng mức. “Hành” nên hiểu rộng hơn là “làm” và “có thể làm được”.
Lẽ dĩ nhiên, chỉ khi nào người dạy và người học nhận thức đầy đủ về điều đó thì việc dạy và việc học mới đi vào thực chất. Nhưng trước đó, các nhà hoạch định và quản lý giáo dục phải thay đổi phương thức giảng dạy theo hướng bám sát thực tiễn hơn, không nặng nề sách vở, tra cứu; chương trình giảng dạy phải thực sự phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng người học ở các vùng miền; phương tiện dạy và học phải phù hợp với môn học, lứa tuổi, thời điểm…; phương pháp kiểm tra, đánh giá phải toàn diện trên cơ sở đánh giá cơ bản đầy đủ các biểu hiện về năng lực, hạnh kiểm của người học; việc chọn ngành nghề phải dựa trên năng lực và nhu cầu thực tế của xã hội chứ không phải theo trào lưu; việc thi đua phải là động lực để phấn đấu chứ không phải là áp lực để người dạy, người học chạy theo thành tích; gia đình phải thấy rằng cần thiết hợp tác một cách hợp lý với nhà trường để dạy dỗ con cái mình tốt hơn chứ không thể “khoán trắng” hoặc “chỉ trỏ”… Tức là triết lý giáo dục mới phải được nhuyễn ra một cách cụ thể trong thực tế và được từng chủ thể, thực thể tham gia vào quá trình giáo dục nhận thức một cách đầy đủ.
3. Để thay đổi một nền giáo dục dĩ nhiên rất khó khăn và lâu dài. Nhưng toàn hệ thống phải có quyết tâm cao. Khi ở tầm vĩ mô đã xác định được cần thiết thay đổi theo một hướng nhất định thì cần “chuyển động” ngay bằng các chính sách cụ thể, các con người cụ thể. Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là một bước chuyển cụ thể. Ở tầm vi mô, từng cơ sở giáo dục, từng chủ thể giáo dục (nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên…) có thể bắt đầu tiến hành theo phương châm việc dễ làm trước. Chẳng hạn, ở mỗi bài giảng, giáo viên nên định hướng cho học sinh vận dụng kiến thức đó vào thực tế cuộc sống như thế nào và khi kiểm tra thì cũng nên kiểm tra theo hướng đó, khi đánh giá thì nên ghi nhận sự thấm hiểu của học sinh đối với vấn đề đó ra sao, khả năng vận dụng thế nào… chứ không phải là sự nhắc lại.
Có dạy thật thì học sinh mới học thật. Và có thực học thì mới có thực nghiệp! Đó là bài học muôn đời!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Mục tiêu tối thượng của giáo dục không phải chỉ để biết, để thi mà phải để làm và làm được, tức là có thể áp dụng, ứng dụng, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả và lợi ích thiết thực. Các vấn đề khác ngoài mục tiêu này đừng quá quan trọng nữa. Có như vậy thì mới dạy thật, học thật.