Thứ tư, 21/10/2009, 15h10

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Đầu tư cơ sở vật chất là vấn đề quan trọng

Gần ba năm trở lại đây, Trường THPT An Lạc đã có những chuyển biến tích cực về các mặt hoạt động, nhất là chất lượng giáo dục (CLGD) nâng lên rất rõ. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với thầy Lê Thành Danh - Hiệu trưởng xoay quanh vấn đề nâng cao CLGD tại ngôi trường này.
Thầy có thể nói rõ hơn?
- Tôi nghĩ rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là cơ sở vật chất. Tôi nghĩ rằng cơ sở vật chất đầy đủ là yếu tố thuận lợi tạo điều kiện tốt cho các hoạt động giáo dục của nhà trường. Nhìn lại kết quả những năm trước đây khi cơ sở vật chất Trường THPT An Lạc còn ọp ẹp xuống cấp, chất lượng giáo dục của trường không lên nổi dù tập thể giáo viên rất cố gắng. Khó khăn về cơ sở vật chất như sức trì kéo lùi nhiều mặt hoạt động của nhà trường. Hơn ba năm nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Sở GD-ĐT nên cơ sở của trường được xây mới và được trang bị khá đầy đủ, phòng ốc rộng rãi thoáng mát, có đủ các phòng chức năng cần thiết như phòng thí nghiệm lý, hóa, sinh đến phòng vi tính, sân tập TDTT… Tôi cho rằng chính sự đầu tư này là nguồn động viên rất lớn đối với đội ngũ thầy cô giáo và học sinh nhà trường. Ai mà không thích thú và phấn khởi khi được dạy và học trong một ngôi trường sạch đẹp, rộng rãi và hiện đại. Thứ hai là đội ngũ giáo viên, người quản lý phải biết sắp xếp cũng như bố trí công việc đúng với yêu cầu và khả năng của từng người. Có như vậy công việc mới thuận lợi. Phải tạo điều kiện (hỗ trợ tài chính và sắp xếp thời gian hợp lý) để anh chị em được theo học các lớp (trên đại học hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ) cao hơn nhằm giúp nâng cao kiến thức lẫn trình độ nghiệp vụ chuyên môn; rút ngắn khoảng cách trình độ nghiệp vụ chuyên môn giữa các giáo viên bằng cách đào sâu và xoáy vào trọng tâm các buổi họp chuyên môn của tổ bộ môn, thường xuyên tổ chức thao giảng, tăng cường dự giờ thăm lớp trong cùng một tổ và mở rộng sang các tổ bộ môn khác.
Thầy có thể nói thêm các nguyên nhân còn lại giúp việc nâng CLGD?
Thầy Danh cho biết: Trước đây CLGD của Trường THPT An Lạc thường nằm ở vị trí khiêm tốn, nhưng vài năm trở lại đây CLGD đã có những thay đổi lớn, từng bước nâng lên. Dẫu những kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn và chúng tôi còn phải cố gắng hơn nữa.
- Đó là sự đồng hành, sự hỗ trợ của toàn thể phụ huynh trong việc chia sẻ những khó khăn còn tồn tại. Sự giúp đỡ tích cực và nhiệt tình của phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và động viên các em học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh là sợi dây nối kết giữa phụ huynh với nhà trường trong việc giáo dục con cái, nhờ đó nhiều học sinh chuyển biến và học tập tiến bộ. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân này cũng rất quan trọng. Nguyên nhân kế tiếp là phải đề ra phong trào thi đua (chia nhiều giai đoạn, có thể lấy những ngày lễ để chia giai đoạn cho phong trào này). Chính phong trào thi đua kích thích sự cố gắng và nỗ lực của thầy và trò, phát huy sự sáng tạo của từng cá thể. Và để phong trào này được tất cả mọi người (thầy và trò) hưởng ứng nhiệt tình, nhà trường phải có chế độ khen thưởng rõ ràng và xứng đáng.
Thưa thầy, chúng ta không thể nâng cao CLGD mà chỉ dựa vào sự cố gắng dạy của thầy và học của trò?

Trường THPT An Lạc tổ chức hội thao dành cho giáo viên

- Nếu chỉ tập trung cho việc dạy và học mà không tạo ra những sân chơi khác tôi cho rằng chưa ổn và đúng với yêu cầu là giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong suốt năm học, nhà trường luôn tạo rất nhiều sân chơi cho học sinh, cụ thể như: đố vui để học, thi văn nghệ, thi đấu TDTT… Chính những sân chơi này giúp các em gắn bó với trường lớp hơn; giúp các em thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa học sinh trong trường; giúp các em có cơ hội phát huy sự sáng tạo cũng như năng khiếu và những “sân chơi” này giúp các em học tốt hơn.
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục
Đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Phấn đấu đến hết tháng 6-2010, hoàn thành trên 50% chỉ tiêu quốc gia chương trình kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên. Thực hiện tổng kiểm tra, đánh giá toàn quốc về chất lượng và hiệu quả khai thác sử dụng thiết bị dạy học, hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan đến cung cấp và khai thác các thiết bị dạy học. Tiếp tục đầu tư, phát triển các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia. Điều chỉnh tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia để phù hợp với đặc thù các thành phố. Triển khai đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2015. Hoàn thành cơ bản việc triển khai kết nối internet băng thông rộng tới tất cả các trường học ở những khu vực có điện lưới vào tháng 6-2010.
P.V (nguồn Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục)
 
T.T.Q (thực hiện)