Thứ tư, 16/4/2014, 10h04

Loay hoay quản lý giáo dục mầm non

Sáng 15-4, đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TPHCM có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM xung quanh vấn đề quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị cho kỳ họp chuyên đề của HĐND TP sẽ diễn ra vào ngày 6-5 tới thông qua nghị quyết về giáo dục mầm non.

Các cháu ở Trường Mầm non Anh Đào, quận Gò Vấp được học tập vui chơi trong ngôi trường khang trang sạch đẹp. Ảnh: MAI HẢI

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM nhìn nhận, một trong những vấn đề lớn hiện nay của TP là chưa có văn bản pháp quy về công tác quản lý đối với nhóm trẻ không phép. “Cách làm của chúng ta hiện nay là giao cho UBND phường, xã chịu trách nhiệm quản lý theo địa bàn cư trú, tuy nhiên lại chưa quy định rõ đích danh người trực tiếp quản lý là phó chủ tịch ủy ban phụ trách văn xã hay cán bộ bổ túc văn hóa. Do đó, nhiều địa phương hiện đang rất lúng túng trong việc phân công trách nhiệm quản lý”, ông Hùng cho biết.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Trần Thị Kim Thanh khẳng định, chỉ đạo hiện nay của UBND TP là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, trong đó tăng dần tỷ lệ trường công lập, giảm loại hình ngoài công lập. Theo đó, đề án phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020 của TP hướng đến mục tiêu đạt tỷ lệ 70% trường công lập, 30% trường ngoài công lập đối với bậc mầm non.

Tuy nhiên, bà Thanh kiến nghị chỉ giảm nhóm trẻ không phép đang hoạt động chứ không thể giảm trường ngoài công lập vì nếu làm như thế sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân.

Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, Phó Trưởng phòng Kế hoạch văn xã Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, nêu ý kiến: “Nếu tập trung đầu tư phát triển trường công lập sẽ làm tăng chi phí quản lý, cồng kềnh bộ máy hoạt động. Thay vào đó, nhà nước chỉ cần ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập hoạt động sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP khẳng định, ngân sách nhà nước không đủ sức bao cấp hết cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Do đó, “chủ trương của UBND TP là trong thời gian sắp tới, những trường mầm non được xây mới sẽ tập trung ưu tiên cho nhóm trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi chứ không rải đều từ nhà trẻ đến lớp lá như hiện nay. Riêng đối với những địa bàn đã có trường mầm non công lập đang hoạt động sẽ không cấp thêm ngân sách xây trường công lập, thay vào đó ưu tiên nguồn xã hội hóa và các nguồn vay từ vốn kích cầu để xây dựng trường mầm non”, ông Hùng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT bổ sung chức danh bảo mẫu vào cơ cấu định biên của ngành nhưng chưa được chấp thuận vì điều này sẽ khiến bộ máy nhân sự phình to.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu thừa nhận đối với một địa bàn cư trú đặc thù như TPHCM cần có những quy định riêng. “Không thể để hình ảnh một người giáo viên mầm non trang trọng trong mắt học trò trở thành đầu bù tóc rối vì những công việc phổ thông như quét dọn vệ sinh, lau chùi cửa kính, những việc lẽ ra dành cho các cô bảo mẫu. Nếu có sự phân công hợp lý, giáo viên mầm non sẽ có nhiều thời gian đầu tư cho giáo án giảng dạy chuyên nghiệp hơn”.

Nhiều năm qua, mặc dù TPHCM đã có Quyết định 5344, quy định trên 100 trẻ có một định biên bảo mẫu ở trường mầm non, nhưng thực tế đến nay có quận thực hiện, quận không.

Theo Sở GD-ĐT, TPHCM hiện còn thiếu khoảng 5.000 giáo viên mầm non ở cả hai hệ thống trường công lập và ngoài công lập. Riêng đối với 520 nhóm trẻ không phép đang hoạt động, có 51 nhóm đang hoàn chỉnh hồ sơ chờ được cấp phép, 177 nhóm đang trong thời gian điều chỉnh, bổ sung điều kiện để xem xét cấp phép và 292 nhóm trẻ không phép, nuôi giữ tổng cộng 1.466 em.

THU TÂM (SGGP)