Thứ năm, 26/4/2012, 16h04

Lớp 5: Giúp học sinh làm tốt bài tập làm văn

Thầy cô và phụ huynh không nên gây áp lực căng thẳng cho các em HS khi ôn tập kiểm tra cuối năm. Ảnh: H.Triều

Đối với học sinh (HS) lớp 5, phân môn tập làm văn (môn tiếng Việt) là phần các em ngán ngại nhất. Bởi phân môn này đòi hỏi ở HS sự tổng hợp của quan sát thực tế; chọn lọc hình ảnh, nội dung cần thiết; vận dụng kiến thức ngữ pháp, vốn từ ngữ; nắm chắc thể loại văn; sử dụng tốt các phương pháp nghệ thuật văn học được học (nhân hóa, so sánh...)… để có thể viết thành một bài văn theo yêu cầu đề. Mặt khác, nội dung kiểm tra tập làm văn cuối năm ở lớp 5 gần như là tất cả thể loại văn các em đã được học ở tiểu học: Tả cảnh, tả người, tả đồ vật, tả con vật, tả cây cối và kể chuyện. Chính vì thế, để HS có thể hoàn thành tốt bài kiểm tra tập làm văn là điều không dễ dàng.
Trong các thể loại văn ấy, chỉ có tả cảnh, tả người là các em được học ở lớp 5 còn các thể loại văn khác các em được học từ năm học trước. Qua thời gian dài không làm các thể loại ấy nên các em khó thể nhớ rõ trình tự thực hiện cũng như cách chọn lọc ý, sắp xếp ý chặt chẽ, thích hợp… Vì vậy, thầy cô và cha mẹ cần nhắc lại dàn bài chung của từng thể loại, cách sắp xếp ý theo thứ tự hợp lý như tả cây cối thì thân bài nên viết theo thứ tự: Gốc, thân, cành, lá, hoa, quả… Hướng dẫn các em chọn lọc ý, dùng từ ngữ gợi tả sao cho thấy được sự khác biệt của hai đối tượng tả như đuôi chó và đuôi mèo có điểm riêng nổi bật nào. Tả đồ vật thì khi tả bộ phận nào phải kèm theo công dụng, hoạt động hoặc cách sử dụng chúng… Chẳng hạn tả cây kim của chiếc đồng hồ thì ngoài việc tả hình dáng, màu sắc phải cho biết kim di chuyển nhanh chậm thế nào? nhiệm vụ của nó là gì?...
Nếu như tả người, cây cối, con vật, đồ vật, thầy cô và cha mẹ có thể hình thành cho các em trình tự tả để ghi nhớ thì tả cảnh lại là điều hết sức khó. Mỗi cảnh khác nhau, cảm nhận và cách quan sát của mỗi người cũng khác nhau. Do đó, để HS nắm trình tự thể loại này chỉ có thể nêu cho các em cách tả chung theo thứ tự không gian từ xa đến gần, từ gần ra xa, từ cao xuống thấp hay từ thấp lên cao… Cần nêu ra hai đề song song để dễ so sánh cho các em thấy. Ví dụ, có thể nêu ra hai đề: Đề bài “Tả trường em trước giờ vào học” thì tả từ cổng trường vào; còn đề bài “Tả trường em giờ tan học” thì tả từ trong trường ra đến cổng trường… Với thể loại văn tả cảnh, các em thường dễ sa đà vào tường thuật như với đề “Tả một cảnh đẹp mà em có dịp tham quan”, HS thường viết đi với ai, bằng xe gì, dọc đường ăn sáng ở đâu, đến nơi mướn phòng thế nào… mà không diễn đạt được cảnh đẹp mà mình được ngắm nhìn. Vì vậy, cần nhấn mạnh cho các em rõ tả cảnh là “vẽ lại hình ảnh bằng lời văn”. Qua bài văn, người đọc có thể tưởng tượng ra cảnh đó như một bức tranh hay một ảnh chụp trước mắt.
Với văn kể chuyện đã nghe, đã đọc, giáo viên và phụ huynh chú ý hướng dẫn tóm tắt nội dung chính, nhấn mạnh các em nên viết bằng lời văn của mình, diễn đạt câu văn xen cảm xúc của mình. Cần tránh tình trạng các em học thuộc lòng câu chuyện kể rồi chép lại như trong sách, khi đó bài văn không hay và khi các em quên một ý thì sẽ không viết tiếp trôi chảy câu chuyện được. Với chuyện kể chứng kiến và tham gia, chúng ta phải phân tích cho các em thấy tính hợp lý của bài viết. Với đề bài “Kể lại một việc làm tốt mà em hay bạn em đã làm”, có em đã viết theo tưởng tượng như “phim” là bắt tên cướp cầm dao tấn công rồi giao cho công an, như thế là không chân thật.
Câu văn của các em thường là liệt kê ý ngắn gọn, chưa gợi tả hay chưa bộc lộ được cảm xúc, do đó cần hướng dẫn các em cách mở rộng câu. Chúng ta có thể hướng dẫn các em sửa chữa trên chính những câu các em đã viết để các em dễ hiểu và nhớ kĩ cách viết. Bài văn học sinh viết: “...Mẹ em 40 tuổi. Nước da đen…”, chúng ta có thể đặt nhiều câu hỏi gợi ý để các em trả lời và chỉnh sửa câu của mình. Dựa vào câu em viết có thể chỉnh lại thành: “…Năm nay, mẹ em mới 40 tuổi nhưng ai cũng bảo mẹ già hơn tuổi của mình rất nhiều. Nước da đen đúa có lẽ vì mẹ phải dầm mưa dãi nắng buôn bán ngoài chợ để nuôi em khôn lớn nên người…”.
Với việc sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa, các em có thể vướng lỗi so sánh, nhân hóa không phù hợp như “Mũi ba em thính như ch... Bước vào nhà, ba biết ngay mẹ đang nấu món gì”. Nếu không tìm được hình ảnh so sánh hay nhân hóa thích hợp thì không nên dùng.
Để viết được bài văn hay, các em phải được rèn luyện trong một thời gian dài. Do đó, trong thời điểm gần đến ngày kiểm tra như hiện nay, yêu cầu các em viết một bài văn vượt qua khả năng hiện có là điều không thể. Vì vậy, phụ huynh và thầy cô nên cho các em ôn tập tập làm văn theo đúng thực lực của từng HS, tránh gây áp lực căng thẳng thêm cho các em trước kì kiểm tra cuối năm.
Lê Phương Trí