Thứ năm, 17/7/2014, 22h07

Mâu thuẫn giữa nhân viên cấp dưỡng

Cấp dưỡng đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh. Ảnh: H.Triều

Đang ngồi kiểm tra sổ sách ở văn phòng, hiệu trưởng nhận được tin “cấp báo” của giáo viên: Hai cấp dưỡng A. và B. cãi nhau kịch liệt và chị B. đã bỏ về nhà.
Hiệu trưởng lập tức đến ngay “hiện trường” để giải quyết. Lúc này, chị cấp dưỡng A. đang bù đầu với đống việc bếp núc vì chị B. đã bỏ về. Hiệu trưởng hỏi chị A. đầu đuôi sự việc thì biết được nguyên nhân gây xích mích giữa hai người là do chị B. liên hệ mua tôm không được tươi (vì hôm nay không có tôm tươi), chỉ toàn tôm ướp đá. Thấy vậy, chị A. cằn nhằn chị B. Thế là hai bên lời qua tiếng lại, dẫn đến cãi nhau kịch liệt.
Cách giải quyết của hiệu trưởng
Sau khi biết được nguyên nhân, hiệu trưởng bèn yêu cầu tăng cường thêm hai nhân viên tạp vụ xuống bếp phụ giúp chị A. vì đã sắp đến giờ ăn trưa của học sinh. Ngay sáng hôm sau, hiệu trưởng cho mời chị A. và chị B. lên phòng để trao đổi. Tại đây, hiệu trưởng yêu cầu hai bên tường trình lại vụ việc rồi phân tích đúng sai. Theo đó, cái đúng của chị A. ở đây là khi thấy thực phẩm dùng để chế biến thức ăn cho học sinh không đạt chất lượng yêu cầu nên đã lên tiếng, nhưng vì đây là vấn đề xảy ra ngoài ý muốn chứ chị B. không cố ý. Do đó, chị A. thay vì nhắc nhở lần sau nếu tôm không tươi thì chị B. có thể chọn thực phẩm khác để thay thế chứ không nên cằn nhằn nhiều vì đằng nào sự việc cũng đã rồi. Vả lại có cằn nhằn thì cũng không giải quyết được gì mà cần tập trung để xử lý công việc cho tốt hơn. Còn chị B. đã sai mà không rút kinh nghiệm còn giận dỗi bỏ về nhà làm ảnh hưởng đến công việc chung. Sau đó hiệu trưởng yêu cầu cả hai chị phải làm bản kiểm điểm và hứa không để vụ việc tương tự xảy ra. Nếu có, ai vi phạm sẽ tùy theo mức độ mà hiệu trưởng xử lý kỷ luật.
Nhận xét
Qua cách xử lý nêu trên, người hiệu trưởng đã vận dụng những nguyên tắc trong hoạt động quản lý giáo dục của mình: Thứ nhất, nguyên tắc đảm bảo tính chính trị. Hiệu trưởng xử lý công việc dựa trên quy định chung về an toàn thực phẩm, về nội quy bán trú của trường; đảm bảo quyền lợi của nhà trường, của học sinh được đặt lên hàng đầu. Thứ hai, nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này thể hiện qua cách xử lý tình huống, đó là hiệu trưởng dùng quyền của mình - người chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ các hoạt động của nhà trường - yêu cầu công việc phải được hoàn thành, mọi người chịu trách nhiệm về hiệu quả của công việc mà mình được phân công. Còn tính dân chủ thể hiện ở chỗ hiệu trưởng cho hai người được trình bày lại vụ việc trước khi ra quyết định; việc phân tích sự đúng sai của mỗi người để chính bản thân họ nhận thấy lỗi của mình mà tự khắc phục. Thứ ba, nguyên tắc đảm bảo tính khoa học. Nó được thể hiện qua việc hiệu trưởng xử lý công việc một cách mềm dẻo: Yêu cầu tăng cường thêm người xuống bếp để giúp chị A. hoàn tất công việc đúng thời gian, đảm bảo bữa ăn của học sinh được phục vụ đúng giờ. Thứ tư, nguyên tắc luôn quan tâm đến con người. Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ hiệu trưởng yêu cầu bữa ăn của học sinh phải đảm bảo đúng giờ, tôn trọng hai chị cấp dưỡng trong tình huống nêu trên qua việc mời cả hai lên làm việc, phân tích đúng sai, cho họ cơ hội để sửa sai, chỉ cảnh cáo bằng việc làm kiểm điểm.
Nhìn chung, tôi thấy hiệu trưởng giải quyết tình huống “tôm không tươi…” là hợp tình hợp lý, thuyết phục được mọi người.
Nguyễn Hoàng Yến