Thứ ba, 15/4/2014, 14h04

Mô hình trường đại học nghiên cứu: Bao giờ?

Trên thế giới, những đại học hàng đầu của một quốc gia nhất thiết phải là đại học nghiên cứu (ĐHNC). Xu hướng này cũng đang là mục tiêu lựa chọn của hầu hết các trường ĐH tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, quy chế đào tạo… vừa thiếu vừa yếu hiện nay, mục tiêu ĐHNC ở nước ta không phải dễ đạt được.

Sinh viên nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm.

Thiếu chuẩn

Bộ KH-CN khẳng định, thời gian qua, không ít trường ĐH đã đạt được doanh thu tốt trong hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây là bước đệm để nâng cao chất lượng đào tạo và chuyên môn của giảng viên.

Có thể kể đến như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong giai đoạn 2006 - 2010 đã đạt doanh thu gần 450 tỷ đồng. Năm 2012, Trường Đại học Bách khoa TPHCM có 113 đề tài khoa học được duyệt với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, thực hiện chuyển giao công nghệ ước đạt trên 90 tỷ. Còn tính chung các thành viên trong khối ĐHQG TPHCM, doanh thu kể từ năm 2011 đến nay ước hơn 350 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ KH-CN cũng chỉ ra, mỗi năm các tổ chức nghiên cứu trong nước thực hiện khoảng 2.000 nhiệm vụ KH-CN, khối các trường ĐH đóng góp khoảng 16.000 - 20.000 kết quả. Nhưng chỉ 10% trong số các nghiên cứu này ứng dụng vào khu vực doanh nghiệp sản xuất.

Một trong những chỉ số quan trọng của ĐHNC là số ấn phẩm công bố trên các tạp chí quốc tế. Nhưng chỉ số này của Việt Nam khá thấp. Tính đến hết năm 2013, chúng ta có khoảng 2.100 công trình được công bố. Với chỉ số này, Thái Lan công bố được 6.390 công trình, Malaysia gần 8.500 công trình và Singapore 11.400 công trình. Như vậy, Việt Nam hiện bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore, dù rằng số giáo sư, tiến sĩ ở nước ta hiện cao nhất Đông Nam Á.

Lý giải thực trạng này, thầy Lâm Quang Vinh, Trưởng phòng Khoa học và công nghệ Trường ĐH KHTN TPHCM cho rằng, bên cạnh yếu tố về lịch sử, môi trường nghiên cứu của Việt Nam chưa đầy đủ. Tình trạng thiếu máy móc nghiên cứu hiện đại xảy ra ở hầu hết các trường; quy chế phòng thí nghiệm dùng chung cũng chưa có.

“Khối ĐHQG TPHCM hiện có hàng chục phòng thí nghiệm trọng điểm, hàng trăm phòng thí nghiệm cấp trường nhưng chỉ mới phục vụ nội bộ đơn vị. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng chảy máu tài sản trí tuệ. Một số nghiên cứu dùng kinh phí của nhà nước, nhưng kết quả lại được chủ nhiệm đề tài ký hợp đồng chuyển giao ra bên ngoài mà chính đơn vị chủ quản cũng không đủ chế tài kiểm soát”, thầy Vinh dẫn chứng.

Đầu tư tập trung

Có thể khẳng định xây dựng mô hình ĐHNC là điều kiện bắt buộc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và sức đóng góp cho phát triển kinh tế tri thức. Trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế thì giá trị cạnh tranh của các sản phẩm đóng vai trò quan trọng, mà giá trị cạnh tranh được đem lại từ những bí quyết công nghệ thông qua đầu tư nghiên cứu.

Với lực lượng trí thức, các nhà khoa học đông đảo và các cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm… đồ sộ, nhiệm vụ quan trọng này cần được các trường đại học đảm nhiệm. Tuy nhiên, sự thành công của nền giáo dục thế giới chứng minh không thể phát triển mô hình ĐHNC dàn trải và phong trào.

Được biết, hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo nghị định về phân tầng và xếp hạng các trường ĐH để trình Chính phủ xem xét ban hành theo quy định của Luật GDĐH. Dự kiến đến năm 2016, tùy theo năng lực mà các trường sẽ đặt ra mục tiêu đào tạo phù hợp với 3 tầng của hệ thống (nghiên cứu, ứng dụng và thực hành). Qua đó, nhà nước cũng xác định mức đầu tư hợp lý.

PGS-TS Hoàng An Quốc, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, nhận định: “Ngay từ bây giờ, các trường chủ chốt cần có sự phân hóa để thúc đẩy cạnh tranh và thực hiện theo kiểu vết dầu loang. Thái Lan, Trung Quốc, Nga đều chỉ tuyển chọn một số trường để làm trong phạm vi quốc gia. Chúng ta bước đầu cũng chỉ nên tuyển chọn một số đơn vị cấp khoa và trung tâm đáp ứng được ở mức cao nhất bộ tiêu chuẩn đã xác định. Có như vậy, Việt Nam mới sớm có được những ĐHNC thực sự”.

TƯỜNG HÂN (SGGP)