Chủ nhật, 14/9/2014, 20h09

Nhiều băn khoăn cần được làm rõ

Một trong những vấn đề mà HS quan tâm là các trường ĐH công bố sớm đề án tuyển sinh. Ảnh: D.Bình
Trước phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia năm 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM tỏ ra băn khoăn với những điểm mới của phương án này.
Chỉ rõ hướng ra đề để định hướng cách dạy
Đa số hiệu trưởng các trường THPT đều đồng tình trước quyết định gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành 1 để tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực thi cử cho học sinh (HS). Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng vẫn còn băn khoăn về mức độ ra đề thi để xây dựng và sắp xếp chương trình dạy học cho phù hợp. “Bộ GD-ĐT cho biết sẽ ra đề theo hướng mở, nội dung đề thi tốt nghiệp cũng như đề thi ĐH, CĐ năm 2015 nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu lớp 12 nhưng lại vừa có phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao sẽ gây lúng túng cho các giáo viên bộ môn. Hiện tại, các giáo viên bộ môn đang chờ văn bản hướng dẫn và các buổi tập huấn do bộ tổ chức để đổi mới cách dạy theo hướng ra đề thi”, bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho biết.
Cũng bàn về chương trình dạy, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để nhà trường và giáo viên có sự định hướng kịp thời, tránh gây bỡ ngỡ và thiệt thòi cho HS. “Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ GD-ĐT cũng nói cách thức ra đề thi tuy mở nhưng hình thức thi vẫn như cũ, chỉ đến khi vào phòng thi các thí sinh mới ngã ngửa khi biết đề thi bị bỏ phần tự chọn, phần kiến thức trong đề thi lại nằm ở phần giao giữa kiến thức cơ bản với kiến thức nâng cao. Cách ra đề này tuy có sự phân hóa tốt nhưng khiến những HS theo học chương trình căn bản cảm thấy bị thiệt thòi vì sách căn bản vốn dĩ nhẹ hơn phần sách nâng cao. Đó là chưa kể việc xáo trộn giữa câu cơ bản với các câu nâng cao (mang tính phân hóa) gây khó khăn cho các thí sinh trong việc đánh giá và làm bài thi. Theo tôi, Bộ GD-ĐT phải có sự rõ ràng và đồng thuận giữa cách ra đề và chương trình dạy để giáo viên có sự định hướng, đồng thời tạo tâm lý ổn định cho HS - vốn là những thí sinh đầu tiên của đề án một kỳ thi quốc gia”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc phân tích.
Không “đánh úp” HS
“Việc công bố đề án tuyển sinh muộn không chỉ gây tâm lý bất an cho HS mà còn ảnh hưởng đến sự đầu tư học tập của các em”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, nói. 
Chia sẻ về tâm lý HS sau khi nghe thông tin một kỳ thi quốc gia năm 2015, ông Đỗ Duy Tam, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoa Sen, cho biết nhà trường đã có những buổi sinh hoạt trước với HS nên các em hầu như không bất ngờ trước thông tin này. Tuy nhiên, chính bản thân HS lại rất lơ mơ về các môn thi ĐH theo đề án xét tuyển của các trường. “Sức học của HS trường ngoài công lập vốn đã yếu, nên ngoài những HS có định hướng theo khối D (toán, văn, Anh) thì cả HS lẫn giáo viên theo định hướng những khối thi khác đều cảm thấy nặng nề vì cùng một lúc phải “gánh” cả 5 môn (3 môn bắt buộc, 2 môn theo kỳ thi ĐH). Tôi cho rằng, các trường ĐH phải công bố đề án tuyển sinh ngay từ bây giờ để công tác hướng nghiệp, đánh giá lẫn ôn tập cho HS không trở thành quá tải”, ông Đỗ Duy Tam bày tỏ. Đồng ý với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ánh Mai cho rằng, đề án tuyển sinh chính thức của các trường ĐH cần được công bố sớm và rộng rãi để HS có sự chuẩn bị cả về tinh thần lẫn kiến thức, đừng để đến gần cuối mới “đánh úp” khiến các em bị động, không trở tay kịp. 
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc cũng nhận định: Vấn đề được HS quan tâm hàng đầu hiện nay chính là phương thức tuyển sinh của các trường ĐH. “Việc các trường thay đổi môn thi trong đề án tuyển sinh là điều hoàn toàn hợp lý. Ví dụ như thay môn tiếng Anh cho một môn thi bất kỳ vào các trường ĐH thuộc khối ngành y (thay vì toán, hóa, sinh như trước đây) là điều hoàn toàn dễ hiểu vì học ngành y cũng cần ngoại ngữ để tra cứu tài liệu quốc tế. Việc công bố đề án tuyển sinh muộn không chỉ gây tâm lý bất an cho HS mà còn ảnh hưởng đến sự đầu tư học tập của các em. Tôi cho rằng, một trong những vấn đề gấp rút hiện nay là các trường ĐH sớm công bố đề án tuyển sinh để HS yên tâm lựa chọn môn thi, cách thi phù hợp với năng lực của mình”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
 LTS: Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015, Giáo dục TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc chia sẻ về vấn đề này. Do đó, từ số báo hôm nay, chúng tôi mở diễn đàn “Một kỳ thi sao cho khoa học?”nhằm đăng tải ý kiến đóng góp của bạn đọc.
 
Còn nhiều điểm chưa rõ
Theo phương án tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015 (thi tối thiểu 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn), em thấy đây là phương án hay, gần với lượng kiến thức và cách thức học của HS trong những năm học phổ thông. Tuy nhiên, so với các bạn dự thi ĐH vào khối D và A1 thì các bạn thi những khối còn lại thiệt thòi hơn một chút. Ví dụ như năm nay em dự định thi vào khối C, ngành báo chí của Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM thì trong kỳ thi này em phải thi đến 5 môn; trong khi các môn khối C phải thi tự luận hoàn toàn. Ở đây em rất băn khoăn về cách thi vì Bộ GD-ĐT phân ra hai cụm thi. Nếu như em đăng ký vào học Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM thì sẽ dự thi ở đâu? Ngoài ngành báo chí thuộc khối C ra, em còn có nguyện vọng vào học ngành luật khối D của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng thì sẽ thi như thế nào?...
Nhiệm vụ chính của chúng em bây giờ là tập trung vào học, ôn tập kiến thức. Thế nhưng, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần có văn bản quy định cụ thể thông báo về các trường THPT. Để từ đó nhà trường phổ biến lại cho HS yên tâm hơn.
Lê Thị Liễu (HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng)