Thứ tư, 4/3/2015, 09h03

Nhiều quy định riêng trong xét tuyển ĐH-CĐ

Hiện nay, các trường đã hoàn tất công bố phương án tuyển sinh trong năm 2015. Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét và duyệt phương án tuyển sinh của các trường và sau đó công bố các đề án đã được thông qua để thí sinh nắm rõ thông tin. Ngoại trừ các trường tuyển sinh riêng (xét tuyển kết quả 3 năm THPT), các trường còn lại đều lấy chuẩn cứng là kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.
Với phương án mỗi trường có những điều kiện, quy định khác nhau, thí sinh muốn đăng ký vào học trường nào cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin tuyển sinh của trường đó.
Các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM thống nhất sẽ xét tuyển nhiều đợt trong năm 2015. Trong đó, đợt 1 nhận hồ sơ từ 1 tuần, sau khi bắt đầu đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia đến 2 tuần sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi THPT. Các đơn vị thống nhất chỉ nhận xét tuyển các thí sinh dự thi tại các cụm thi THPT do các trường ĐH tổ chức. Đồng thời, thí sinh phải đạt hạnh kiểm khá trở lên, điểm trung bình 5 học kỳ của 3 năm cấp THPT phải đều từ 6,5 trở lên nếu xét tuyển vào ĐH và từ 6,0 trở lên nếu xét vào CĐ.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến ở nguyện vọng (NV) 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành thuộc 2 đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM.
Cụ thể, trong 4 ngành/nhóm ngành của nguyện NV1, có 3 ngành đầu tiên dành cho ngành/nhóm ngành của đơn vị thành viên thứ nhất. Duy nhất ở ngành/nhóm ngành thứ 4 thí sinh mới được đăng ký xét tuyển vào đơn vị thành viên thứ 2 trong số các đơn vị còn lại (nếu muốn). Việc xét tuyển vẫn tuân thủ quy trình số NV được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 theo đúng Quy chế xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015.
Thí sinh muốn đăng ký vào Trường ĐH Luật TPHCM phải thực hiện 2 bước. Bước 1 là xét tuyển: điểm trung bình 3 năm học phổ thông chiếm 20% số điểm trúng tuyển và kết quả thi tốt nghiệp chiếm 60% tổng số điểm trúng tuyển. Sau đó, trường sẽ xét tuyển theo cách chọn điểm từ cao xuống thấp để xác định thí sinh trúng tuyển bước 1. Bước thứ 2, thí sinh làm bài kiểm tra khả năng về các lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp (kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử, địa lý, đạo đức…) và tư duy logic. Bài kiểm tra này chiếm 20% trong tổng số điểm trúng tuyển. Bài kiểm tra gồm 2 phần trắc nghiệm (45 phút) và tự luận (60 phút). Với bài kiểm tra năng lực, thí sinh không cần ôn tập hay luyện thi mà chỉ cần vận dụng kiến thức và khả năng hiểu biết để làm bài.
Là đơn vị duy nhất tuyển sinh riêng, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ sử dụng kết quả kỳ thi của trường bằng bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Kết quả này có giá trị trong vòng 24 tháng.
Theo Ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, trong năm 2015 có 2 đợt thi: đợt 1 vào ngày 30 và 31-5; đợt 2 vào ngày 1 và 2-8.
Trong đợt 1, thí sinh được đăng ký dự tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị thành viên thuộc ĐH này theo thứ tự ưu tiên. Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu của đợt 1. Nếu thí sinh không trúng tuyển đợt 1, được đăng ký dự tuyển đợt 2 hoặc sẽ được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung vào các ngành còn chỉ tiêu của các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau một tuần của mỗi đợt thi, trường sẽ công bố kết quả của đợt thi đó.

THANH HÙNG

(SGGP)