Thứ hai, 4/2/2013, 13h02

Nỗi niềm mang tên... chuyên đề

Trong hoạt động chuyên môn của giáo viên, thao giảng là cách thức nâng cao tay nghề của người dạy và tạo thêm cơ hội giao lưu nghề nghiệp. Tuy nhiên để tiết dạy mang tính khái quát và đi sâu hơn vào chuyên môn, các giờ thao giảng đã được nâng cấp thành những tiết chuyên đề.
 Xét về mặt lý luận, chuyên đề là những vấn đề đi sâu vào chuyên môn, nghiêng về một lĩnh vực khoa học nào đó trong quá trình nghiên cứu và thảo luận. Về mặt thực tế đây là một diễn đàn rộng lớn để người tham gia có quyền trao đổi thảo luận và tìm ra những kết luận xác đáng nhất. Rõ ràng dựa vào khái niệm trên, những tiết thao giảng ở lớp từ trước tới nay chưa thật sự là một chuyên đề nếu như không đưa ra một định hướng cụ thể về nội dung và phương pháp. Ví dụ, khi thực hiện tiết dạy với nội dung: “So sánh bút pháp nghệ thuật của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến với bút pháp nghệ thuật của nhà thơ Chính Hữu trong bài Đồng chí thì giáo viên đã triển khai một chuyên đề mang tính lý luận văn học. Còn khi thao giảng bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu thì giáo viên đang thực hiện tiết dạy hơn là một chuyên đề. Thế nhưng, thực tế hiện nay vẫn có sự đánh đồng giữa hai hoạt động này mà nguyên nhân xuất phát từ quan niệm thiếu rạch ròi. Khi ranh giới giữa hai hoạt động đó chưa được phân định thì mục tiêu bài học hướng đến dễ bị lệch pha. Đây chính là nỗi băn khoăn từ phía người dự. Để khắc phục tình trạng trên, một số trường đã biết vận dụng tiết thao giảng hướng vào chuyên đề bằng cách đưa ra một tên gọi cho chuyên đề. Ví dụ, khi thao giảng bài thơ Mộ của Hồ Chí Minh trong chương trình lớp 11, người dạy đã đưa ra các chuyên đề phù hợp như: Phương pháp phân tích một bài thơ cổ điển thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, chất thép trong tập Nhật ký trong tùqua bài thơ Chiều tối…
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, so với những năm trước, các chuyên đề năm nay được thực hiện có bài bản hơn. Đặc biệt là số lượng chuyên đề trong mỗi quý tăng vọt theo chỉ tiêu chung. Đây chính là cơ hội cho các giáo viên học hỏi kinh nghiệm và đi tìm cách dạy tối ưu, sát thực tiễn nhất. Nhờ sự cọ xát thường xuyên mà trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của giáo viên càng được nâng cao, nhất là các đơn vị GDTX chỉ có một giáo viên cho mỗi bộ môn (ở các huyện ngoại thành).
Theo ý kiến của lãnh đạo nhiều trường và trung tâm GDTX, mỗi lần tổ chức chuyên đề rất tốn kém về kinh phí. Nếu gần thì dùng phương tiện xe máy, còn đi xa thì phải thuê xe khách để đưa rước thầy cô đi về, đó là chưa nói tới các khoản bồi dưỡng và tiền trà nước trong hội thảo. Tính ra mỗi học kỳ, một đơn vị phải tổ chức được 4 chuyên đề và cử giáo viên đi dự hàng chục chuyên đề khác tại đơn vị bạn. Kinh phí cho hoạt động này chỉ biết nhìn vào nguồn chi của ngân sách.
“Chính vì chi nhiều từ nguồn ngân sách nên dễ bị thiếu hụt và ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong mỗi học kỳ. Cuối năm ngân sách dư ít thì anh em cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn trong việc chia các khoản phúc lợi cuối năm”, một giám đốc trung tâm GDTX trăn trở.
Nguyễn Hoàng Anh