Thứ ba, 11/5/2010, 09h05

Phòng chống bạo lực học đường: Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Theo thống kê, từ đầu năm 2010 tới nay ở Vĩnh Long đã xảy ra gần 10 vụ được xem như là vấn nạn bạo lực học đường (BLHĐ), trong đó hầu hết ở các trường học trên địa bàn TP.Vĩnh Long.

Ông Phan Kỳ Nam - Trưởng phòng GDĐT TP.Vĩnh Long.

Chỉ tính riêng trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Vĩnh Long),  từ đầu năm đến nay Ban Giám hiệu  đã trực tiếp giải quyết 4 vụ việc học sinh (HS) đánh nhau bị phát hiện (chưa kể các vụ không phát hiện được). Xung quanh việc phòng chống bạo lực học đường, ông Phan Kỳ Nam - Trưởng phòng GDĐT TP.Vĩnh Long -  cho biết:
Tuy số vụ xảy ra tính chất chưa nghiêm trọng, nhưng dư luận, phụ huynh quan tâm nên Phòng GDĐT có phối hợp với Công an thành phố thực hiện một chương trình về phòng chống tệ nạn, BLHĐ, an toàn giao thông... Những giải pháp chúng tôi đặt ra là:  Thứ nhất, tăng cường giám sát HS, đặc biệt là thời gian đầu giờ hoặc cuối giờ học vì đây là thời điểm thường hay xảy ra những vụ HS đánh nhau.
Thứ hai, chúng tôi chỉ đạo các trường tăng cường đội ngũ trực nhật như giáo viên trực, chi đoàn trực; kết hợp với lực lượng dân phòng giám sát để kịp thời ngăn chặn những hành vi bạo lực. Thứ ba,  tăng cường giáo dục các em, phải làm cho các em nhận thấy chuyện đánh nhau là hành vi xấu, có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Phòng cũng yêu cầu các trường phối hợp chặt chẽ với hội phụ huynh HS, từng phụ huynh đối với trường hợp HS cá biệt. Việc kết hợp với gia đình là không thể thiếu được trong phòng chống BLHĐ.
Các trường hợp vi phạm sẽ xử lý kỷ luật như thế nào?
Đối với HS, sử dụng các hình thức giáo dục là chính. Tuy nhiên nếu sự việc xảy ra mức độ nặng thì theo quy định của Luật Giáo dục, xâm phạm có tính chất nghiêm trọng đến thân thể bạn bè hoặc người khác thì bị kỷ luật hoặc buộc thôi học có thời hạn, lâu nhất là một năm và đưa về gia đình -  xã hội giáo dục cho đến khi nào các em chuyển biến tốt thì mới tiếp tục cho phép đến trường.
Hữu Hồng thực hiện / Lao Động