Thứ sáu, 9/3/2012, 15h03

Phương pháp dạy cá thể trong môn toán

Thảo luận trong môn toán giúp HS hiểu sâu hơn kiến thức. Ảnh: N.Q

Dạy học cá thể là cách thức giáo dục tiến bộ, tôn trọng độc lập tư duy, khơi gợi sáng tạo cho từng cá nhân phát triển.
Cũng như các môn học khác trong chương trình tiểu học, dạy toán cần có hệ thống câu hỏi khoa học và hợp lý. Biết đặt câu hỏi là giáo viên (GV) biết tìm cho mình kỹ thuật dạy học theo hướng cá thể.
1. Đầu tiên là thiết kế các dạng câu hỏi.Có thể nói thiết kế câu hỏi trong dạy toán là rất cần thiết. Hệ thống câu hỏi không chỉ sử dụng trong đàm thoại, khi phát vấn phát hiện mà cả trong từng khâu giải quyết vấn đề có tính chất khuyến khích, suy nghĩ theo tư duy toán học. Đối với người dạy, đặt câu hỏi trở thành một kỹ năng quan trọng được sử dụng trong tất cả các phần bài học. Có thể chia ra 3 loại câu hỏi như sau: Câu hỏi đóng. Đây là câu hỏi có câu trả lời bắt buộc “có” hoặc “không” hoặc chỉ có một câu trả lời duy nhất. Dạng câu hỏi này để gợi nhớ thông tin và “hồi tưởng” kiến thức cần thiết. Nó đòi hỏi rất ít tư duy, câu trả lời luôn mang tính chính xác. Ngoài việc kiểm tra bài cũ, câu hỏi đóng còn dùng để phát triển bài học. Ví dụ: 2 nhân 2 bằng mấy? Câu hỏi mở. Đây là câu hỏi mà học sinh (HS) có quyền đưa ra nhiều câu trả lời hoặc GV yêu cầu HS đưa ra quan điểm, ý kiến riêng của mình. Dạng câu hỏi mở có chức năng hướng dẫn, kích thích và mở rộng tư duy rất có ích trong phần giới thiệu và phát triển bài. Câu hỏi nêu vấn đề. Đây là câu hỏi dùng để tạo tình huống gợi vấn đề nặng tư duy logic. Có thể dùng để gợi ý cho HS dự đoán, lật ngược vấn đề, tìm và phát hiện cách giải quyết vấn đề.
2. Hiện nay việc cung cấp kiến thức mới cho HS tiểu học thường được thực hiện theo 3 cách: GV truyền đạt toàn bộ kiến thức để HS ghi nhớ; HS tự học hoàn toàn; GV hướng dẫn HS tự tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức.
Nếu dạy theo cách 1, HS sẽ tiếp thu một cách thụ động, máy móc, không hiểu sâu và nhớ lâu vấn đề thì ở cách 2 các em sẽ dễ bị lạc đường, mất thời gian vì thiếu định hướng. Chỉ có cách thứ 3 mới phù hợp với xu hướng đổi mới phương pháp dạy học và tâm sinh lý đối tượng. Đây là cách dạy có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển tư duy toán học của HS nên người dạy cần phải thực hiện bởi những lý do sau: Quá trình tìm tòi khám phá sẽ giúp HS rèn luyện tính chủ động, sáng tạo. HS sẽ hiểu sâu và nhớ lâu kiến thức. Trong quá trình tìm tòi hoặc tranh luận với nhau, các em tự đánh giá được kiến thức của mình. Rèn luyện cho HS được tính kiên trì, tự tin suy luận có cơ sở; coi trọng tính chính xác, tính hệ thống, tính khoa học.
3. Trong các tiết dạy toán thường có hình thức thảo luận tổ nhóm. Vậy thảo luận nhóm trong học toán có những lợi ích gì? Hoạt động này giúp các em tự tìm tòi hay hợp tác cùng nhau để chọn lựa cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất. Ngoài tác dụng gợi mở sử dụng kiến thức, các cuộc “hội thảo mi ni” giúp các em diễn đạt ý kiến của mình mở rộng đường suy nghĩ và thực hành luyện tập các kỹ năng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tùy theo mục đích yêu cầu của vấn đề mà các nhóm được giao cùng một nhiệm vụ hay các nhiệm vụ khác nhau. Trong nhóm nên phân công mỗi HS làm một phần việc để mọi người đều làm việc, giúp nhau giải quyết vấn đề. Không có ai đứng ngoài quỹ đạo vận hành. Thành  quả làm việc của mỗi nhóm là kết quả chung của cả lớp. Thường đại diện nhóm đứng lên trình bày kết quả làm việc của cả nhóm hoặc từng thành viên trình bày phần công việc mà mình đã làm.
4. Cuối cùng GV biết hướng dẫn HS thực hành, hình thành và rèn luyện kỹ năng toán học. Muốn vậy trước hết người thầy phải chuẩn bị trước nội dung để các em tìm cách chiếm lĩnh. Quy trình cho HS hoạt động trên các hình thức đó phải được chuẩn bị trước để dễ dàng lĩnh hội các kiến thức môn học của những con số La Mã. Khâu giải bài tập phải có sự định hướng của thầy cô phù hợp với trình độ đối tượng. Trong quá trình tổ chức các em hoạt động thực hành cần bảo đảm thực hiện một cách tự nhiên, không nóng vội nhằm giúp HS vượt qua những khó khăn, xây dựng và củng cố lòng tin ở các em.
Trên đây là một số biện pháp mà trong quá trình học tập, nghiên cứu tài liệu cùng với thực tế được vận dụng vào giảng dạy, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp. Chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót và hạn chế. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của các bạn đồng nghiệp nhằm hoàn thiện hơn phương pháp dạy học cá thể thông qua giảng dạy môn toán trong trường tiểu học.
Mai Thị Thanh Hoa
(Tổ chuyên môn khối 5 Trường TH Bình Triệu, Q.Thủ Đức)