Thứ sáu, 3/2/2012, 16h02

Tài “cầm quân” của nữ hiệu trưởng giàu tâm huyết

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Nga cùng các em HS thiết kế các sản phẩm phục vụ việc học tập

“Tiết học” đặc biệt này thu hút sự tham gia của rất nhiều giáo viên (GV) và học sinh (HS). Mọi người cùng nhau làm việc và trao đổi những kiến thức về bộ môn khoa học tự nhiên. Bên cạnh SGK, tài liệu tham khảo là các loại chai lọ phế liệu, dao kéo, băng keo, hồ dán… để thầy trò cùng thực hành.
Đó là buổi thiết kế công trình “Động vật sống trong rừng” của thầy trò Trường Tiểu học Tam Bình, Q.Thủ Đức nhằm chuẩn bị dự thi “Ngày hội môi trường” cấp quận. Trong mấy ngày tập trung mọi nguồn lực quan trọng đó luôn có sự xuất hiện của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Nga.
Từ một công trình nhỏ
Được hòa mình vào một hoạt động mang tính tập thể và sáng tạo, nhiều HS đã tỏ rõ vẻ thích thú cùng tinh thần hứng khởi. Các em vui vẻ mang đến trường đầy đủ các vật liệu cần thiết như hũ yaourt, muỗng nhựa, bình nước, hộp giấy… để cùng nhau góp sức xây dựng công trình. Những món đồ phế liệu được các “nhà thiết kế” giữ gìn cẩn thận. Thời gian trôi đi trong không khí khẩn trương của những “tay thợ” không chuyên. Dưới bàn tay tài nghệ và khéo léo của thầy trò Trường Tiểu học Tam Bình, những con vật ngộ nghĩnh dần dần xuất hiện. Tôi lấy làm thích thú khi nghía chú voi già được làm từ hộp đựng nước ép trái cây.  4 cái chân là 4 chai nước ngọt nhỏ xíu trông đáng yêu vô cùng. Đứng bên cạnh những con thiên nga được “chế” từ vỏ bánh là các chú hươu cao cổ xinh xắn vừa mới “thoát thai” từ mấy hộp sữa do HS khối 4 tạo nên. Tuy có sự hướng dẫn của GV nhưng phần sáng tạo quyết định vẫn thuộc về đội ngũ “kỹ sư” nhí do nhà trường tuyển chọn từ các lớp. Hòa mình trong “khoảng trời chung”, các em tha hồ sáng tạo. Khi nhìn lại những sản phẩm do chính tay mình làm ra, em nào cũng gật gù khoái chí. Nhiều nữ GV tuy không trực tiếp tham gia vào công trình nhưng vẫn hào hứng cổ vũ và tìm mọi cách tiếp sức cho “đội quân” thiết kế. Có lẽ chính vì thế mà chỉ sau vài ngày bắt tay vào thực hiện, sản phẩm mô hình mang tên “Động vật sống trong rừng” đã chính thức ra mắt trong niềm hân hoan của thầy trò nhà trường. Thế nhưng, người hạnh phúc nhất là “đầu tàu” Nguyễn Thị Thu Nga - người “quên ăn quên ngủ” vì công trình này. Cô luôn theo dõi từng “bước đi” của công trình, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nhóm thiết kế có đủ nhân tài và vật lực để hoàn thành tốt nhất kế hoạch đã đề ra.
Mô hình hoàn thành nhờ sự sáng tạo không ngừng nghỉ của nhóm thiết kế và những hỗ trợ tích cực từ phía lãnh đạo nhà trường. Từ khi Phòng GD-ĐT quận kêu gọi các trường làm sản phẩm trưng bày trong “Ngày hội môi trường”, cô Nga cùng với BGH đã họp đi họp lại bàn tới bàn lui nhằm tìm ra một sản phẩm ưng ý nhất. Sau khi lên kế hoạch kỹ càng, thay vì thuê người ngoài vào làm, thầy trò nhà trường cùng góp sức xây dựng mô hình. Và những nỗ lực này đã được đáp đền xứng đáng. Trong ngày hội, mô hình “Động vật sống trong rừng” của Trường Tiểu học Tam Bình đã chiếm được cảm tình rất lớn của mọi người và đoạt thứ hạng quán quân.
Đến nhiều “công trình” lớn
Mấy năm gần đây, Trường Tiểu học Tam Bình như đang hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tự mình trỗi dậy thành một địa chỉ giáo dục đáng tin cậy của đông đảo PHHS. Không còn cảnh lớp học chật chội và thiếu các phòng chức năng để thầy trò “chìm” trong tình trạng học chay dạy ghép. Nhờ sự cải tổ của BGH mà trường có thêm dãy phòng truyền thống, phòng thiết bị và phòng lab. Tuy thuộc quận vùng ven nhưng trường vẫn tìm cách mở các lớp tiếng Anh tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu của PHHS và tạo điều kiện để đội ngũ GV nâng cao trình độ nghiệp vụ môn ngoại ngữ. Không chỉ rộng thoáng, sạch sẽ mà các phòng còn được trang trí theo phong cách thân thiện, hiện đại. Cô Nga vừa cùng tôi xuống khu nhà ăn vừa nhắc lại chuyện cũ: “Còn nhớ vào thời điểm các phòng được xây sửa lại, trường chúng tôi vẫn thiếu nhà ăn trong khi chỗ ăn bán trú của HS vô cùng chật chội”. Đây chính là điều khiến tân nữ hiệu trưởng trăn trở mãi không thôi. Thế nhưng với những kinh nghiệm có được sau nhiều năm làm “đầu tàu” tại Trường Tiểu học Linh Đông, cô Nga luôn tin vào nhiệt huyết của chính bản thân mình. Không khuất phục khó khăn, lấy kinh phí của ngành rót xuống và huy động sự ủng hộ của Ban đại diện CMHS cùng Hội Khuyến học phường, sau một thời gian thi công, khu nhà ăn cho hơn 1.000 HS bán trú khang trang, sạch sẽ đã ra đời. Giờ đây, mỗi lần ghé thăm con em mình trong giờ ăn trưa, PHHS nào cũng tỏ ra mãn nguyện khi cảm nhận được sự chăm sóc chu đáo của các cô bảo mẫu, mấy chị nuôi và đặc biệt là sự quan tâm từ phía BGH. 
Trong quá trình phát triển, thử thách luôn đè nặng lên vai đội ngũ sư phạm nhà trường là công tác giáo dục HS chưa ngoan và HS có nguy cơ bỏ học. Nhờ GVCN mỗi lớp quyết tâm tìm hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng và đặc biệt là BGH kịp thời đưa ra chính sách hỗ trợ mà hai bản danh sách HS cá biệt của các lớp dần dần được hạn chế.
Nhiều PHHS dù con em họ đã ra trường nhưng vẫn tận tâm giúp đỡ BGH thông qua từng bộ đồng phục, cả trăm suất học bổng. Đôi khi sự “chung vai” chỉ là vài cây bút, cuốn tập, bộ SGK cũ của các GVCN như cô Nguyễn Thị Nữ dành tặng học trò cũng khiến không ít người ấm lòng. Trong phong trào Vở sạch chữ đẹp, cùng với 3 giải nhất của HS, hai cô Lê Mai Tuyết Lan, Trần Thị Bích Hạnh cũng liên tục mang về cho trường nhiều giải cá nhân và tập thể...
Suốt 4 năm công tác tại “mảnh đất mới”, dù đứng trước muôn vàn khó khăn nhưng cô Nga vẫn không ngừng tìm cách đem về nhiều lợi ích nhất cho HS và từng bước nâng cao chất lượng dạy - học của thầy trò nhà trường.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Cũng nhờ tài “cầm quân” của nữ Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Nga mà phong trào 2 tốt của Trường Tiểu học Tam Bình được định hình theo thời gian và thu về nhiều kết quả mỹ mãn. Như thuyền gặp gió, thông qua hoạt động chuyên môn mà 100% GV đạt danh hiệu GV giỏi cấp trường, 12 chiến sĩ thi đua cấp TP. Ngoài ra, trường còn được nhận các danh hiệu như: Tập thể lao động xuất sắc, cờ thi đua xuất sắc cấp TP, phong trào Đội xuất sắc 5 năm liền…