Thứ hai, 16/2/2015, 21h02

Thầy giáo

“Ngoài kia”, thế giới của giáo dục (GD) đã chuyển hóa và thay đổi mạnh mẽ. Nhiều trường quốc tế cấp 1, 2, 3, CĐ và ĐH đang sừng sững mọc lên, thầy giáo quốc tế cũng xuất hiện, họ làm việc từ xa hay đến làm việc từ nhiều nước và văn hóa cũng giao thoa mạnh mẽ.
Vấn đề toàn cầu hóa và những yếu tố làm cho thế giới phẳng đi, phá bỏ ranh giới về địa lý và thế giới đã phải thay đổi như một tất yếu, GD không nằm ngoài xu thế chung đó. Tác giả Thomas L.Friedman, bậc thầy của tầm nhìn quốc tế với hai tác phẩm: Chiếc Lexus và cây ô liu; Thế giới phẳng từng dự báo xu hướng toàn cầu hóa và đã làm cuộc cách mạng trong nhận thức chung về thế giới.
Tại Việt Nam, chỉ hơn 10 năm phát triển mạnh mẽ của internet, cùng với sự phát triển vượt bậc của các trang mạng xã hội hiện nay đã làm cho Việt Nam và thế giới càng như phẳng hơn và gần nhau hơn. GD đã thay đổi. Vấn đề đặt ra, dù ở thời kỳ nào là tại sao người thầy luôn được đề cao và được đặt vào vị trí tối quan trọng như vậy? Người thầy trong thời kỳ mới phải có năng lực và phẩm chất thế nào để đáp ứng GD chất lượng cao thời kỳ mới?
Một là: Sự quan trọng và vai trò thầy giáo, phải khẳng định rằng: Thầy giáo là nhân tố quyết định chất lượng GD-ĐT. Ngày nay, nhiều cơ sở dữ liệu đang chờ sẵn người học nhưng vai trò cần thiết và quan trọng của thầy giáo vẫn tiếp tục được khẳng định. Người thầy ngày nay, phải thay đổi toàn diện về mặt nhận thức và nhất định phải thay đổi trong phương pháp giảng dạy. GD cũ coi trọng lượng tri thức, GD mới lại phải coi trọng tính định hướng và dẫn dắt. Lối học cũ, thiên về tính đọc chép trong khi cách học mới, lại tận dụng tối đa CNTT bằng các bài giảng điện tử và đặt nặng những kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng trình bày, thảo luận. Dù là phương thức GD cũ hay mới, thì vai trò thầy giáo là tối quan trọng vì quyết định tạo ra một thế hệ con người mới, trí thức mới với những đòi hỏi về tri thức và kỹ năng để phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Hai là: Thầy giáo là nhân tố quan trọng, trong đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp GD-ĐT. Nội dung GD không chỉ dạy chữ, truyền tri thức mà còn dạy làm người. Thầy giáo, ngoài dạy chuyên môn phải lồng ghép các nội dung GD phẩm chất đạo đức làm người, GD lòng yêu nước và ý thức làm chủ của người học, tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; tinh thần làm việc nhóm, chí tiến thủ, độc lập sáng tạo và tính trung thực của người học.

Vì vậy, phải chuẩn hóa chương trình và giáo trình đào tạo, đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội. Thầy giáo phải tạo điều kiện, phát triển kỹ năng mềm cho người học, rèn luyện khả năng tư duy độc lập, khả năng sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn và đặc biệt là khả năng tự đào tạo, bồi dưỡng và tự hoàn thiện của mỗi cá nhân người học để thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng của thế giới phẳng.
Ba là: Thầy giáo là nhân tố quan trọng, trong đổi mới công tác QLGD một cách cơ bản và toàn diện cả về tư duy lẫn phương thức quản lý, theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về GD-ĐT. Thầy giáo tham gia vào xây dựng, quản lý nội dung và chất lượng đào tạo, phải cải tiến nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn mới của đất nước và thế giới. Thầy giáo phải tham gia quản lý và khai phá tiềm năng có hiệu quả nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư GD. Đặc biệt ngày nay, sự tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới nhằm hỗ trợ cho người học nhiều chương trình học chất lượng cao phù hợp. Sự hội nhập trong đào tạo quốc tế là tất yếu, đòi hỏi nhiều công sức và tận tâm của đội ngũ thầy giáo trong giai đoạn mới.
Bốn là: Thầy giáo là nhân tố quan trọng trong việc tự GD. Trong giai đoạn mới thế giới mở đa chiều, chính người dạy học cũng bị thử thách và cần thiết phải xây dựng bản lĩnh riêng của mình. Thiết nghĩ, để học sinh có đủ đức, đủ tài thì trước tiên thầy, cô giáo phải có đức, có tài, có tâm, có lòng thương yêu. Thầy giáo phải tự học liên tục, tạo dựng nhân cách riêng và là tấm gương mẫu mực. Thầy giáo cũng phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao tri thức và phẩm chất, có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp GD. Thầy giáo phải hiểu sâu sắc và sống có trách nhiệm với sự tôn vinh cao quý của người thầy mà xã hội tin tưởng. Đây là việc làm đòi hỏi sự phấn đấu và hy sinh của thầy giáo trong giai đoạn khó khăn về kinh tế hiện nay, vượt lên nhiều điều tầm thường của cuộc sống.
Tóm lại, hướng đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, trước hết phải bắt đầu từ GD mà trong đó thầy giáo là nhân tố quyết định; đặc biệt để tạo ra lớp người mới vững vàng chuyên môn và có kỹ năng đòi hỏi thầy giáo phải có năng lực, phẩm chất mới trong giảng dạy và QLGD. Thầy giáo phải tiên phong trong hội nhập sâu rộng với nền GD tiên tiến của thế giới và khu vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp GD và công nghiệp hóa đất nước.
TS. Lê Hồng Phú