Thứ hai, 29/9/2014, 09h09

Tín hiệu tích cực từ VNEN

Cách trang trí lớp học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Trần Quang Diệu
Mặc dù mới được triển khai thí điểm nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học ở Đà Nẵng đã có kế hoạch triển khai áp dụng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại đơn vị mình. Theo đó, tùy hoàn cảnh cụ thể ở từng trường mà áp dụng cách triển khai, nhìn chung bước đầu đã có hiệu quả tích cực.
Ngay từ năm học 2013-2014, dù không nằm trong diện thí điểm nhưng nhiều trường tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng đã chủ động cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) làm quen với mô hình VNEN. Nằm khuất sâu trong con đường cấp phối, Trường Tiểu học Trần Quang Diệu (Q.Ngũ Hành Sơn) mang dáng vẻ yên bình của một vùng quê hơn là phố. Nhưng bước chân vào trường, tận mắt xem những lớp học với những gương mặt HS tham gia bài học đầy hứng khởi mới thấy được rằng, không khí học tập của thầy trò nơi đây đã bắt nhịp được với rất nhiều cải cách, đổi mới toàn diện của nền giáo dục nước nhà. Dạo một vòng qua các lớp học, chúng tôi để ý thấy lớp học nào cũng được trang trí theo cách thức của mô hình VNEN một cách khoa học, bắt mắt, tạo nên không khí học tập hứng khởi cho HS. Cô Bạch Thị Đào, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ở mỗi lớp, tùy theo GV và HS mà có cách trang trí khác nhau, như: Vẽ tranh tường, trang trí tranh ảnh, góc học toán, bảng cửu chương, kệ trưng bày mô hình… Ngoài ra, nhà trường còn mở thêm hộp thư bè bạn dành cho HS bên cạnh hộp thư nhà trường vốn đã được duy trì lâu nay”. Tuy nhiên, theo cô Đào, việc trang trí lớp học theo mô hình VNEN cũng còn gặp một số khó khăn bởi vì trường tổ chức bán trú nên không gian sử dụng dành để đồ dùng phục vụ bán trú ở các lớp học cũng đã chiếm một phần không nhỏ. Nên góc học tập ở các lớp hạn chế sự trưng bày phong phú. Hiện tại, các lớp chỉ trưng bày bảng treo, tranh ảnh để tận dụng không gian tường. Ngoài việc trang trí lớp học tạo không khí học tập, tư duy sáng tạo, chủ động của HS, nhà trường đã thành lập các CLB Anh văn, toán, tiếng Việt… tạo điều kiện cho HS tham gia, kích thích phát triển tư duy, trí tuệ.
Theo đánh giá của nhiều GV ở Đà Nẵng, mỗi phương pháp dạy học đều mang lại những lợi thế nhất định, nhưng phương pháp dạy theo mô hình VNEN có nhiều ưu điểm cần triển khai. Đó là khắc phục được những điểm yếu mà nhiều HS thường mắc phải như sự tự tin, tư duy sáng tạo và sự chủ động trong các chủ đề đưa ra… Từ đó các em được rèn luyện những kỹ năng cơ bản, như: Sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp, thảo luận, giải quyết các mâu thuẫn, hoạt động nhóm…
Tương tự, tại Trường Tiểu học Bạch Đằng (Q.Hải Châu), ngay từ năm học trước cũng đã áp dụng một số tiêu chí của mô hình này vào lớp học. Cô Lương Mỹ Huệ, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Điểm đáng chú ý nhất trong quá trình triển khai tập làm quen mô hình này ở trường là tiến hành theo cách bầu chọn hội đồng tự quản của lớp tại một số lớp của khối 3, 4, 5. Cách thức tổ chức hội đồng tự quản là do HS giới thiệu, hoặc các em tự ứng cử. Rồi tiếp đó trong quá trình tranh cử, bỏ phiếu thì có cả Tổng phụ trách Đội, phụ huynh tham dự để cùng nghe kế hoạch hành động. Nội dung của hoạt động này do GV gợi ý hoặc nhóm đề xuất dưới sự hướng dẫn của GV. Ngoài ra còn tổ chức lớp học theo nhóm đối tượng, tổ chức quản lý lớp học, trang trí các góc học tập như: Góc khoa học, góc lịch sử, góc thư viện nhỏ… Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức một số tiết thao giảng theo mô hình VNEN giúp GV nhận thức về mô hình, cách tổ chức một tiết dạy... Bước đầu áp dụng phương pháp tổ chức này đã đem lại hiệu quả nhất định. Cái được lớn nhất là các em mạnh dạn, tự tin và năng nổ hơn”.
Là một ngôi trường thuộc “vùng xa” của Q.Liên Chiểu, nằm nép mình dưới chân đèo Hải Vân, Trường Tiểu học Hải Vân cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị triển khai mô hình này trong năm học tới. Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hình thức tổ chức hoạt động dạy học theo mô hình VNEN có nhiều ưu điểm, phát huy tính chủ động của HS, tăng tính tương tác giữa GV và HS, giữa HS với HS. Trong năm học này, nhà trường từng bước chuẩn bị, triển khai để có thể áp dụng toàn bộ mô hình vào năm học tới”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
Cần đào tạo giáo sinh dạy VNEN
Trong đợt tập huấn cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên (GV) đang trực tiếp giảng dạy theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) do Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức tại Trường TH Tây Bắc Lân (huyện Hóc Môn), có ý kiến chia sẻ của GV đang dạy tại Trường TH Tân Thông (huyện Củ Chi), trường đầu tiên của thành phố thực hiện mô hình VNEN từ năm học 2012-2013, được mọi người quan tâm. Đó là mô hình VNEN áp dụng hiện nay đối với GV có thâm niên lâu năm hơi khó khăn và không thích hợp. Bởi vì những GV này đã có bề dày kinh nghiệm nên trong giảng dạy họ biết chọn lựa và sử dụng phương pháp nào hợp lý để dạy cho từng đối tượng cá thể; họ biết đưa phương pháp dạy tích cực để cho học sinh (HS) học tích cực; biết cách phối hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy truyền thống với phương pháp dạy hiện đại để giúp HS mau hiểu bài và đạt kết quả cao trong học tập. Nếu phân công những GV này dạy theo mô hình VNEN, nghĩa là họ phải biết đổi mới phương pháp trong khi dạy, phải biết tổ chức lớp theo hình thức nhóm để HS hợp tác, chia sẻ ý kiến lẫn nhau nhằm chiếm lĩnh kiến thức mới. Ngay cả quy trình các bước lên lớp giữa dạy theo truyền thống lâu nay với dạy theo mô hình VNEN cũng khác nhau, chính vì vậy khi dạy theo mô hình VNEN trong đầu họ vẫn còn suy nghĩ, lo lắng, lưỡng lự chọn lựa bài dạy theo phương pháp này, phương pháp nọ…
Các GV dạy lâu năm luôn được nhà trường dành tình cảm đặc biệt vì họ giàu kinh nghiệm, có công sức đóng góp vào thành quả cho nhà trường. Nhưng có điều các GV này chưa thật sự nhạy bén đổi mới phương pháp mới khi được nhà trường phân công dạy lớp theo mô hình VNEN, một phần do quen cách dạy cũ lâu nay.
Do đó nhà trường phân công GV trẻ dạy theo mô hình VNEN là thích hợp nhất vì họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, nên khi được nhà trường hướng dẫn, tập huấn, dự giờ vài tiết là họ tiếp thu phương pháp dạy mới rất nhanh. Tuy nhiên, dù được trang bị kiến thức chuyên môn vững trong trường sư phạm, chủ động nhạy bén khi tiếp cận phương pháp dạy hiện đại…, nhưng GV trẻ lại chưa được trang bị một chút gì về phương pháp dạy theo mô hình VNEN, kể cả sách giáo khoa dùng cho mô hình này có lẽ họ cũng chưa một lần tận mắt thấy.
Khi mà mô hình VNEN phát triển đại trà ở nhiều địa phương trong cả nước thì đặt ra yêu cầu: Muốn cho GV dạy mô hình này thành công thì ở trường sư phạm, giáo sinh cần được trang bị thêm kiến thức chuyên môn và cách dạy theo mô hình này.
Trần Văn Tám 
(Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)