Thứ sáu, 15/3/2013, 14h03

Tính tích cực của phương pháp thuyết trình

Thuyết trình vẫn là PP có nhiều ưu điểm trong dạy học. Ảnh: Anh Khôi

Hiện nay, vấn đề đổi mới phương pháp (PP) giảng dạy luôn được những người làm công tác giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm.
Đã có rất nhiều hội thảo đề cập về vấn đề đổi mới PP giảng dạy và cũng đã có khá nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Dù có nhiều tên gọi khác nhau như lấy người học làm trung tâm, tích cực hóa hay dạy học cá thể… tất cả đều hướng vào mục đích phát huy tính tích cực, tự giác, tính chủ động sáng tạo của người học. Có một vài ý kiến cho rằng nên hạn chế sử dụng PP thuyết trình vì PP này mang lại hiệu quả thấp và cần sử dụng nhiều PP dạy học mới như nêu vấn đề, thực hành thực nghiệm... Tuy nhiên, theo tôi, PP dạy học thuyết trình nếu biết cách sử dụng sẽ mang lại hiệu quả cao trong dạy học.
Đổi mới PP gắn với đổi mới tư duy dạy học  
Chúng ta cần phải thống nhất cách hiểu rằng, hiện nay không có một PP nào là duy nhất cho tất cả các môn học, không có PP nào áp dụng cho tất cả người dạy. Người sử dụng PP này hiệu quả nhưng người khác lại gây ức chế với học sinh. Vì vậy, để thực sự tối ưu quá trình dạy học chúng ta phải biết kết hợp các PP khác nhau, mỗi PP dạy học đều có những ưu điểm và hạn chế riêng của nó. Chúng ta lấy ưu điểm của PP này để khắc phục những hạn chế của PP khác, như vậy mới thực sự có chất lượng. Một tiết học, dù PP của giáo viên hay đến mấy nhưng còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố tham gia như tâm trạng của học sinh, sự sẵn sàng đón nhận nội dung tri thức mới như thế nào? Trình độ nhận thức, trình độ phát triển của tập thể như thế nào? Phương tiện dạy học có phù hợp với nội dung môn học hay không, phù hợp với khả năng sử dụng phương tiện ở mức độ nào của giáo viên?
Chính vì vậy, để tiết học có chất lượng cao, giáo viên cần phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo cả về vật chất, tinh thần, tâm lí, sức khỏe…
Chúng tôi trao đổi với tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Minh Thức (Hội Tâm lý - giáo dục tỉnh Đồng Nai), anh cho biết: “Mang lại hiệu quả một tiết học không chỉ là kiến thức mà còn cả một đời sống tâm hồn của người dạy và cả sự truyền cảm của ngôn ngữ, bằng sức mạnh của niềm tin, bằng uy tín về phẩm chất và năng lực”.
Phát huy điểm mạnh của thuyết trình
Thuyết trình vẫn là PP được sử dụng phổ biến ở các cấp học trong các loại hình nhà trường, nó vẫn luôn có những lợi thế nếu chúng ta biết khai thác. PP thuyết trình luôn phải huy động sức mạnh tổng hợp của người dạy. Kiến thức uyên thâm, ngôn ngữ sinh động có sức truyền cảm tốt cũng lôi cuốn học sinh, một ánh mắt, một nụ cười thiện cảm và một tình yêu nghề nghiệp có thể tác động vào trái tim người học mà không có con đường nào so sánh được. Những ưu điểm lớn của PP này đó là trong thời gian nhất định có thể truyền tải được một khối lượng kiến thức lớn đối với người học, nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trong giáo dục. Những kiến thức trừu tượng nhờ khả năng tài nghệ sư phạm của giáo viên có thể làm cho nó cụ thể, sống động hơn, người học có thể học được cách lập luận một vấn đề khó từ giáo viên, cách trình bày, cách mô tả, giải thích, giảng giải một vấn đề như sự kiện lịch sử, các chuyên đề, các nguyên tắc, quy luật mà PP khác khó có thể đem lại hiệu quả cao hơn. Nếu giáo viên bằng thứ ngôn ngữ truyền cảm của mình, đặc biệt là giọng điệu và âm sắc thì càng dễ đi vào lòng người hơn bao giờ hết.
Giải pháp nào để thuyết trình hiệu quả?
Phải thừa nhận rằng, nếu chúng ta không khéo léo khi sử dụng PP này sẽ dẫn đến những hạn chế lớn làm cho nó trở thành tiêu cực, nhàm chán… Vì vậy cần lưu ý những điểm sau: Thứ nhất, muốn thuyết trình một vấn đề nào đó giáo viên cần phải nghiên cứu thật kĩ để từ đó làm chủ kiến thức trong bài giảng, không gặp phải những “tình huống khó xử” trong dạy học. Thứ hai, lựa chọn những vấn đề có khả năng thuyết trình mà học sinh cảm thấy hấp dẫn, phù hợp với trình độ nhận thức, tâm trạng của người học. Đi sâu vào đời sống tâm lí, lứa tuổi học sinh. Thứ ba, luôn luôn làm chủ cảm xúc và biết điều chỉnh cảm xúc của giáo viên theo những tình huống sư phạm, điều này tạo nên sự cân bằng tâm lí, không rơi vào sự sa đà, tản mạn kiến thức, thái độ tiêu cực nửa vời trong quá trình giảng bài. Thứ tư, biết sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, cú pháp chính xác, trình bày mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nghe, nhịp độ và âm lượng vừa phải (khoảng 80-120 từ/phút) và được minh họa bằng thực tiễn sinh động. Thứ năm, khả năng quan sát đối tượng làm sao có thể bao quát được toàn bộ lớp và từng cá nhân để từ đó điều chỉnh nội dung cũng như cá biệt hóa trong dạy học.
Như vậy, muốn PP thuyết trình mang lại hiệu quả cao, giáo viên bằng sức mạnh tổng hợp, phải biết kết hợp những ưu điểm của PP khác để khắc phục các hạn chế của PP này. Thuyết trình vẫn là PP có nhiều ưu điểm lớn trong dạy học.
Lê Phạm Phương Lan (Trường ĐH Nguyễn Huệ)