Thứ sáu, 23/1/2015, 09h01

TP.HCM nỗ lực xây thêm trường mầm non

Kể từ sau khi HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết số 01/2014 (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 24-6-2014) về hỗ trợ giáo dục mầm non, UBND TP đã ban hành liên tiếp nhiều chính sách quan trọng nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng các trường mầm non công lập trên địa bàn TP.

Một trong những bước đột phá đó là việc TP “nhận” trách nhiệm tìm nguồn vốn vay và trả lãi vay ngân hàng cho các chủ đầu tư xây dựng trường mầm non.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của UBND TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Huy động vốn

Căn cứ theo Quyết định số 6483/QĐ-UBND do UBND TP ban hành ngày 31-12-2014, đã có 72 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non được UBND TP phê duyệt theo chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn TP với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.700 tỷ đồng. Theo đó, các địa phương đang dẫn đầu danh sách dự án xây dựng gồm huyện Củ Chi (14 dự án), huyện Bình Chánh và Cần Giờ (mỗi huyện 7 dự án), quận Bình Tân (9 dự án)… Theo ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM, đây là một trong những động thái thể hiện sự quyết tâm của TP trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non nhằm đáp ứng đủ chỗ học của người dân trên địa bàn. Bà Phan Thị Thắng, Phó giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cho biết: “Năm 2014, toàn TP có 117 dự án cần ghi vốn triển khai đầu tư nên ngân sách TP gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn bố trí cho các đơn vị. Từ thực tế đó, TP đã tính đến giải pháp kết nối với các ngân hàng để tạo thêm nguồn vốn đầu tư. Nhưng để chính sách phát huy hết hiệu quả cần có sự quyết tâm vào cuộc của 24 quận, huyện”.

Mới đây, liên Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở GD-ĐT và Kho bạc Nhà nước TP đã cùng nhau ngồi lại biên soạn ra dự thảo quy trình thực hiện các dự án tham gia chương trình huy động vốn của UBND TP. Theo đó, các dự án sẽ có thời gian vay vốn tối đa 8 năm, trong đó tổng thời gian ân hạn được tính kể từ ngày dự án bắt đầu thực hiện đến khi công trình hoàn thành theo quy định không được kéo dài quá 24 tháng. Sau giai đoạn ân hạn, kể từ ngày dự án được giải ngân vốn vay đầu tiên sẽ được tính vào thời gian trả nợ gốc và lãi vay định kỳ 2 lần/năm vào tháng 3 và tháng 9. Cũng theo dự thảo, tại thời điểm phê duyệt hoặc điều chỉnh dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm tính toán toàn bộ số tiền lãi vay phát sinh trong thời gian vay thực hiện dự án, căn cứ theo lãi suất vay vốn do Sở Tài chính thông báo (6 tháng điều chỉnh một lần) để bổ sung vào nội dung hồ sơ của dự án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hồ sơ, thời gian tới sẽ có một cuộc “bắt tay” giữa các ngân hàng để tìm ra danh mục hồ sơ thống nhất, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị rút ngắn thời gian thực hiện. Riêng đối với các dự án xây dựng trường mầm non thuộc chương trình “Xây dựng nông thôn mới” tại huyện Củ Chi trước đây do Ban quản lý nông thôn mới ở các xã quản lý, nay sẽ được bàn giao về Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện tiếp tục triển khai xây dựng.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Thừa nhận tình trạng các công trình xây dựng cơ bản hiện nay trên địa bàn TP thường chậm tiến độ do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, bà Phan Thị Thắng, Phó giám đốc Sở Tài chính TPHCM, kêu gọi các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bà Thắng nói: “Trách nhiệm bố trí đủ nguồn vốn theo quy định thuộc về liên Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư. Việc còn lại của các chủ đầu tư là làm sao đẩy nhanh tiến độ xây dựng càng nhanh càng tốt vì thêm một ngày kéo dài thời gian xây dựng ngân sách phải trả thêm lãi vay”.

Tuy nhiên, trước hàng loạt kiến nghị của đại diện các ban quản lý đầu tư xây dựng quận, huyện về việc kéo dài thời gian ân hạn (quy định hiện nay là 2 năm), đại diện cả 3 Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở GD-ĐT TP đều cho biết chưa thể thực hiện vì liên quan đến nhiều yếu tố như nguồn vốn, tổng lãi vay... Do đây là một trong những chủ trương còn rất mới, mang tính “đi tiên phong” của TP nên trong thời gian đầu thực hiện không thể tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc. Trước mắt, TP sẽ thực hiện theo hình thức vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giao Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin trình UBND TP xem xét, giải quyết. Ngoài ra, để tránh tình trạng kéo dài thời gian triển khai các dự án, ông Nguyễn Ngọc Thảo, Trưởng phòng Đầu tư sửa chữa, Sở Tài chính TP, lưu ý các chủ đầu tư cẩn trọng trong việc chọn lựa đơn vị tư vấn để hạn chế điều chỉnh sai sót.

Trưởng phòng GD-ĐT một quận thuộc khu vực ngoại thành TPHCM bày tỏ ý kiến: “Bố trí vốn xây dựng mới chỉ là điều kiện cần, về lâu dài còn đòi hỏi sự chung tay hợp sức của nhiều đơn vị. Trong đó, vấn đề đơn giản hóa hồ sơ thủ tục cần được các cơ quan chức năng tính đến nhằm rút ngắn thời gian thực hiện cho các đơn vị”. Song song với điều đó, nhiều chủ đầu tư cũng kiến nghị UBND TP xem xét việc ban hành thêm một số chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư ở khu vực trọng điểm, khu vực thiếu trầm trọng trường, lớp hoặc có đông học sinh là người dân tộc thiểu số nhằm phát huy tối đa tính nhân văn, hiệu quả của chính sách hỗ trợ mầm non.

Thu Tâm

(SGGP)