Thứ hai, 11/4/2011, 09h04

“Trường chuẩn” dưới chuẩn

Để nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều phương cách, trong đó có việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Thế nhưng thử nhìn lại một vài trường chuẩn từ một góc nhìn khác ta sẽ thấy có những nghịch lý đáng buồn.

Một trường trung học để được công nhận trường chuẩn quốc gia phải đạt được năm tiêu chuẩn: tổ chức nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị và công tác xã hội hóa giáo dục. Trong đó tất nhiên vấn đề chất lượng giáo dục luôn được xã hội quan tâm nhiều nhất.
Thực tế có nhiều trường, thầy và trò đã nỗ lực hết mình trong việc nâng cao chất lượng dạy và học để được công nhận trường chuẩn hoặc để xứng đáng là trường chuẩn.
Thế nhưng đây đó vẫn có những trường để được công nhận trường chuẩn hoặc để “đánh bóng thương hiệu trường chuẩn” đã “gồng mình” để đạt được kết quả như tiêu chuẩn của bộ đề ra! Với tinh thần đó, giáo viên phải ký cam kết giáo dục bảo đảm cuối năm kết quả học tập và hạnh kiểm của học sinh phải đúng chỉ tiêu do trường đưa ra trong lộ trình xây dựng trường chuẩn.
Điều này dẫn đến một thực trạng là để bảo đảm chỉ tiêu, giáo viên đôi khi phải “rộng tay” trong việc đánh giá học sinh. Vì thế kết quả học tập của học sinh thực tế ở một số trường chưa thể nói là đúng thực chất. Có những học sinh lẽ ra cần phải ở lại lớp để rèn luyện thêm nhưng vì lý do bảo đảm chỉ tiêu, bằng cách nào đó thầy cô vẫn phải để các em được lên lớp. Thậm chí có những em hư hỏng, đến trường chỉ phá phách, không chịu sự giáo dục của nhà trường vẫn được “năn nỉ” đến lớp đều đặn để bảo đảm sĩ số!
Đối với những giáo viên có thâm niên và tâm huyết với nghề, không ai lại không trăn trở trước thực trạng này. Lương tâm cũng nhiều lần cắn rứt khi buộc phải cho ra một sản phẩm mà mình biết rõ chưa đạt chất lượng, nhưng không thể làm khác được vì đó là mục tiêu do trường đề ra và mình cũng đã ký cam kết. Tâm trạng đó chẳng khác nào bác sĩ biết rõ bệnh nhân của mình bệnh như thế nào mà không được quyền kê toa thuốc!
Vậy nên dựa vào đâu để đánh giá chất lượng học sinh một cách chính xác? Theo tôi, trong khi chưa có một phương pháp tối ưu, kết quả thi tuyển trong các kỳ thi vào lớp 10 hoặc vào đại học là những thước đo có thể tin cậy được. Qua đó, chất lượng học tập của học sinh sẽ được phản ánh một cách trung thực vì những kỳ thi này được tổ chức khá nghiêm túc.
Và một khi học sinh không còn trong “vòng tay bao bọc” của thầy cô đang dạy mình, các em phải tự thể hiện khả năng thực chất của mình.
GV LÊ THỊ DIỆU PHƯƠNG (Ninh Thuận)
Theo Tuổi Trẻ