Chủ nhật, 20/4/2014, 11h04

Tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM: Đề thi môn văn có nhiều đổi mới

Thí sinh (thi tại HĐT Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh) trao đổi sau giờ thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014

Những năm gần đây, đề thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM đã được đổi mới theo hướng đọc hiểu văn bản, đề cao kỹ năng viết, tạo lập văn bản để thí sinh phát huy hết năng lực tổng hợp, phân tích của mình.
Loại… văn mẫu
Đó là nhận định của nhiều giáo viên dạy văn có kinh nghiệm tại các trường THCS trên địa bàn TP.HCM. Cấu trúc đề thi môn văn trong 5 năm trở lại đây thường có 4 câu, câu 1 và câu 2 chỉ chiếm khoảng 2 điểm nhưng tập trung kiểm tra đọc hiểu văn bản của học sinh. Cụ thể, ở câu 1 thí sinh phải có kỹ năng nhận thức văn bản, nghĩa là chỉ cần hiểu đúng nội dung trọng tâm văn bản và giải thích được nhan đề văn bản, ý nghĩa biểu tượng văn bản. Câu 2 tập trung vào tiếng Việt nhưng không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng lý thuyết mà đòi hỏi kỹ năng vận dụng, biết sửa lỗi sai về từ vựng, ngữ pháp, điền từ, liên kết câu… Còn câu 3 và câu 4 đòi hỏi thí sinh biết kỹ năng tạo lập văn bản.
Cấu trúc đề thi là vậy nhưng mỗi năm lại có nhiều nét đổi mới khiến học sinh khó học tủ, học theo văn mẫu. Cô Trần Mộng Vân (giáo viên môn văn Trường THCS Lạc Hồng, Q.10) phân tích: “Đề thi môn văn trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 tại TP.HCM chủ yếu kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của học sinh. Năm 2011 đề thi chỉ mang tính chất mở ở câu 3, thuộc phần văn nghị luận xã hội (chiếm khoảng 3 điểm), từ năm 2012 trở đi đều mở ở câu 4 thuộc nghị luận văn học. Chẳng hạn, đề năm 2011 câu 4 vẫn chỉ định tác phẩm để thí sinh phân tích thì năm 2012 bắt đầu mở rộng, yêu cầu thí sinh phân tích về hình ảnh con người mới qua các tác phẩm văn học đã học (đề này các em có thể chọn hình ảnh người lính, người lao động, người bà…). Còn năm 2013 thêm một bước đổi mới khi ra hai đoạn thơ cho thí sinh lựa chọn 1 trong 2 vấn đề để phân tích là nói về hình ảnh con người Việt Nam yêu nước trong hai đoạn thơ đó hoặc tìm hình ảnh ẩn dụ qua hai đoạn thơ. Những đề thi này không mang tính chất văn mẫu nên ngay từ lớp 6 giáo viên phải tránh dạy văn theo hướng này”.
Ngay cả câu văn nghị luận xã hội, đề thi cũng có nhiều bước đổi mới khi không chỉ hẳn một chủ đề, một hiện tượng trước cho học sinh mà yêu cầu các em phải đọc, hiểu văn bản rồi mới rút ra chủ đề, hiện tượng đó.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thanh Hiền (Tổ trưởng môn văn Trường THCS Minh Đức, Q.1) chia sẻ: “Đề văn nghị luận xã hội những năm gần đây không đi vào lối mòn bàn luận về những đạo lý mang tính truyền thống của dân tộc mà đưa ra những vấn đề, một hiện tượng mang tính chất thời sự, gần gũi với cuộc sống để học sinh nhận xét, đánh giá. Với đề này không yêu cầu cao về diễn đạt văn chương, cảm xúc mà đòi hỏi các em phải lập luận chặt chẽ, logic. Còn đề nghị luận văn học thì vẫn cần cách diễn đạt có cảm xúc, khả năng phân tích nghệ thuật của ngôn từ”.
Giúp học sinh chủ động hơn
Cô Đinh Thị Ngọc Nhung (Tổ trưởng môn văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) nhận định: “Những năm gần đây, đề thi văn vào lớp 10 được đa số giáo viên và học sinh đánh giá là hay, thiết thực, có độ phân hóa rõ. Với đề văn nghị luận xã hội, đòi hỏi các em phải bám sát thực tế, nhìn nhận cuộc sống xung quanh mình với những đề tài tích cực và cả tiêu cực. Đồng thời ý kiến các em đưa ra cũng phong phú và thực tế hơn, bám sát vào các sự kiện mang tính thời sự nhưng vẫn gần gũi với những chuẩn mực vốn có của cuộc sống. Đề nghị luận văn học mang tính tổng hợp, đòi hỏi học sinh phải nắm kỹ kiến thức cơ bản của các tác phẩm, biết xúc động, cảm nhận bằng tình cảm chân thành và phải biết tư duy, phân tích tổng hợp để tìm ra những cái hay chung và cái đẹp riêng của nhân vật hay của từng bài thơ”.
Đồng tình với ý kiến này, cô Trần Mộng Vân cho rằng: “Đề văn những năm gần đây rất hay, không chỉ đòi hỏi khả năng sáng tạo của học sinh mà ngay cả giáo viên cũng phải đổi mới để giúp các em biết phân tích các dạng đề”.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng đề thi yêu cầu cao về vốn sống thực tế mà ở độ tuổi 14-15 thì các em vẫn còn nhiều hạn chế. Một giáo viên THCS ở Q.11 (xin giấu tên) cho hay: “Đề thi đã loại trừ được việc học văn mẫu, thầy đọc - trò chép nhưng để đạt điểm cao là rất khó. Hiện nay các em được “bao bọc” kỹ, ít ra ngoài tiếp xúc với xã hội nên khi đề ra mang tính thời sự xã hội cao thì nhiều em nhìn nhận vấn đề còn riêng lẻ, khó phân tích sâu hoặc nhìn ra thành một hiện tượng khác. Do đó khó đạt được điểm tuyệt đối, chỉ những em thực sự giỏi mới đạt 8-9 điểm”. 
Bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thanh Hiền nói: “Đề mở thì đáp án cũng cần phải mở, người chấm thi phải tôn trọng ý kiến của thí sinh, tức là trong đề nghị luận xã hội nếu các em không phân tích theo đúng ý đồ của người ra đề nhưng có sự phân tích hợp lý, logic thì giáo viên nên chấp nhận và chấm điểm. Điều này cũng đòi hỏi người chấm cần kinh nghiệm, tinh tế và nhạy cảm để phát hiện hướng mới, hướng sáng tạo trong bài viết của thí sinh”.
Bài, ảnh: Dương Bình