Chủ nhật, 16/3/2014, 17h03

Viết tiếp bài báo Dạy ngoại ngữ ở trường mầm non: Tại sao phải cấm? (đăng ngày 10-3)

Nên cho những trường có điều kiện dạy

Quyết định cấm các trường mầm non dạy ngoại ngữ khiến phụ huynh tiếc nuối

Cấm dạy ngoại ngữ ở trường mầm non (MN) - đó là cách để Bộ GD-ĐT quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng chương trình giảng dạy trong thời điểm mà mọi thứ đang còn nhiều khó khăn. Không ai phủ nhận những mặt tích cực của quy định này khi đưa vào áp dụng toàn bộ cho các trường, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quyết định này khá vội vã, chưa thích hợp thời điểm...
Nhà trường, phụ huynh đều tiếc
Trường MN Bến Thành (Q.1, TP.HCM) hợp đồng với một trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Anh cho trẻ đến nay cũng gần 5 năm. Chương trình và giáo viên giảng dạy do trung tâm cung cấp nhưng dưới sự kiểm duyệt, theo dõi của nhà trường. Trẻ học trên tinh thần tự nguyện trong giờ học ngoại khóa, học phí 320 ngàn đồng/tháng. Đến nay nhà trường chưa nhận được ý kiến phàn nàn nào từ phía phụ huynh. Trái lại phụ huynh tỏ ra rất hài lòng. Anh H. - có con đang học tại trường - chia sẻ: “Được tham gia lớp tiếng Anh, con tôi rất thích. Cháu tiếp thu nhanh, về nhà có thể sử dụng những từ chỉ màu sắc, đồ vật, trái cây... khoe với ba mẹ. Đặc biệt, cháu trở nên nhanh nhẹn, tự tin và rất thích xem những bộ phim hoạt hình có tiếng Anh”.
Anh H. nói, nếu nhà trường không tiếp tục tổ chức thì thật đáng tiếc vì điều kiện giảng dạy đảm bảo, trẻ học tốt, học phí phù hợp. Đặc biệt được học ở trường sẽ thuận tiện về thời gian đưa - đón cho phụ huynh lẫn việc trông nom trẻ…
Cô Vũ Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng phụ huynh có nhu cầu cho trẻ học tiếng Anh là có thật và rất cao. Khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định trên, nhiều phụ huynh tỏ ra tiếc nuối, đến gặp trực tiếp Ban giám hiệu hỏi lý do và mong muốn nhà trường tiếp tục thực hiện. “Nhưng nhà trường phải thực hiện theo quy định của ngành, nếu như ngành không cho phép”, cô Vũ Thị Thu Hà nói.
Theo chúng tôi tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn thành phố có một số trường MN thực hiện công tác dạy học tiếng Anh tương tự như Trường MN Bến Thành trong giờ học ngoại khóa, trên tinh thần tự nguyện và trẻ sẽ được học qua hình ảnh, các trò chơi vận động.
TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trong lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy ngoại ngữ, có một lý thuyết về thời gian vàng để học ngoại ngữ (Critical Period Hypothesis). Theo lý thuyết này, thời gian tốt nhất để học ngoại ngữ là lúc 2 tuổi đến thời điểm dậy thì. Giai đoạn các vùng chức năng của bộ não chưa bị khu biệt hóa thành các khu vực riêng biệt nên việc thiết lập các kết nối ở vùng xử lí ngôn ngữ diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn. Ngoài ra các cơ của bộ máy phát âm giai đoạn này cũng linh hoạt hơn giai đoạn sau dậy thì. Theo đó trẻ dễ có phát âm giống người bản xứ nếu thường xuyên tiếp nhận ngữ liệu nghe chuẩn. Năng lực ngôn ngữ nói chung của trẻ sẽ phát triển tốt mặc dù lúc đầu có thể sẽ gặp khó khăn. Việc tiếp cận sớm với một nền văn hóa khác cũng sẽ tác động tốt đến sự phát triển tư duy của trẻ…
Thực hiện ở những trường có điều kiện
TS. Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, một trong những khó khăn chung hiện nay trong việc dạy ngoại ngữ tại các bậc học là phần lớn đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực tiếng, nhất là kĩ năng nghe, nói. Ngoài ra, điều kiện tổ chức giảng dạy của chúng ta cũng còn khó khăn. Ví dụ sĩ số phổ biến tại các lớp trung bình 40-50 học sinh/lớp. Các khó khăn khác có thể kể đến là tài liệu, chương trình giảng dạy, trang thiết bị, thiếu môi trường rèn luyện, hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ… Trong khi đó, mục đích chính của việc học tiếng Anh hiện nay là để giao tiếp và làm việc trong môi trường toàn cầu. Và mục tiêu quan trọng nhất là nói trôi chảy và phát âm rõ ràng, dễ hiểu.
Đứng ở góc độ tâm lý học, ThS. Tô Nhi A, giảng viên môn tâm lý học Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM,cho biết: “Kết quả của quá trình dạy - học không chỉ phụ thuộc vào thời điểm mà cần nhiều thành tố tham gia cấu thành cấu trúc quá trình này. Đó là khách thể, chủ thể, mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện… Dưới góc độ tâm lí, chúng ta không thể bỏ qua tính cá biệt ở từng trẻ. Tất cả những điều này cho thấy, muốn thành công trong việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm đòi hỏi những tác động mang tính khoa học, phù hợp với nguyên tắc dạy - học và qui luật của quá trình dạy học”.
Không ai phủ nhận những mặt tích cực của quy định này, nhưng nhiều ý kiến cho rằng quyết định này khá vội vã, chưa thích hợp thời điểm.
Một phó trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình (TP.HCM) nhận định: “Quy định đưa ra ít nhất phải có thời gian cho trường chuẩn bị, sắp xếp. Hiện tại một số trường đang hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ, nếu dừng ngang xương sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chưa kể, có những trường đủ điều kiện, đảm bảo yêu cầu giảng dạy thì tại sao không tạo điều kiện cho họ thực hiện”.
Cô Vũ Thị Thu Hà góp ý: “Bộ GD-ĐT nên cho các trường có đủ điều kiện thực hiện. Vì lãnh đạo nhà trường trực tiếp quản lý và giám sát thì chất lượng giảng dạy sẽ tốt hơn. Quan trọng là cách quản lý của nhà trường cũng như các hướng dẫn thực hiện cụ thể của cấp trên đến những trường này như thế nào. Như vậy hiệu quả vừa đảm bảo lại vừa giúp nhiều trẻ có cơ hội học ngoại ngữ hơn”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Bộ GD-ĐT không nên cấm đoán “tuyệt đối” một cách máy móc, vì nếu bản thân trẻ sẵn sàng cho việc học ngoại ngữ và công tác tổ chức giảng dạy đảm bảo điều kiện thì ưu điểm của dạy - học ngoại ngữ sớm sẽ phát huy một cách tối đa”, cô Tô Nhi A cho biết.