Thứ ba, 22/7/2014, 20h07

Viết tiếp bài “Dấu hiệu tích cực từ đề thi môn ngữ văn” (ra ngày 21-7): Căn nguyên của tình trạng học vẹt

Một tiết học môn văn của học sinh THPT. Ảnh: Anh Khôi
Những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH môn văn của Bộ GD-ĐT nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh của dư luận. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định tiếp tục đổi mới đề thi môn học này nhằm tác động mạnh đến hoạt động dạy học và chống tình trạng học vẹt.
Từ góc nhìn của khoa học giáo dục hiện đại, chúng tôi muốn góp thêm ý kiến về việc giải quyết nạn học vẹt và phạm vi ra đề thi.
1. Đâu mới là nguyên nhân thực sự của tình trạng học vẹt? Trước hết, đó là do sự độc quyền học vấn. Trong hoạt động dạy học ở trường phổ thông, GV và HS đều chỉ sử dụng duy nhất một quyển SGK (riêng GV còn có thêm quyển sách GV với một số gợi ý, định hướng triển khai bài học). Nếu như GV phải hoàn toàn dựa theo nội dung được trình bày trong SGK để chuẩn bị giáo án và dạy học trên lớp thì HS cũng chỉ tiếp nhận tri thức từ bài giảng của GV và từ SGK. Do vậy, để “an toàn” trong học tập, HS chỉ còn cách là học thuộc lòng những câu chữ trong SGK hoặc phần tóm tắt trong sách được GV đọc cho chép. Khi tư duy phê phán và tư duy sáng tạo không có điều kiện thể hiện thì HS chỉ còn là những con vẹt thuộc lòng những vỏ kiến thức rỗng. Thứ hai, đó là “bệnh thành tích”. Kết quả học tập của HS vừa là cơ sở để đánh giá trình độ, năng lực dạy học của GV, vừa được dùng để làm tiêu chí xem xét các danh hiệu thi đua và quan trọng hơn, kết quả này phải đáp ứng các chỉ tiêu thi đua được cấp trên đề ra. Để bảo vệ quyền lợi của mình, GV buộc phải từ bỏ giá trị thực sự của hoạt động dạy học để tìm cách đạt được những chỉ tiêu đó. Trong hoàn cảnh này, kiểu dạy học tốt nhất sẽ là “đọc - chép” và kiểu học tập hiệu quả nhất sẽ là học thuộc lòng.
Như vậy, căn nguyên của tình trạng học vẹt của HS (và cả kiểu dạy học “đọc - chép” của GV) chính là cơ chế quản lý giáo dục hiện hành. Do đó, phải bắt đầu sửa đổi từ cơ chế quản lý nếu muốn xóa bỏ nạn học vẹt ở trường phổ thông.
2. Các nhà giáo dục đã chỉ rõ sự khác biệt về chức năng chương trình học (Curriculum) và SGK (textbook). Theo đó, chương trình học là văn bản pháp lý (mà ta vẫn gọi là “pháp lệnh”) buộc GV phải tuân thủ; còn SGK, mặc dù được biên soạn dựa trên chương trình, chỉ là công cụ để GV và HS sử dụng trong quá trình dạy học. Trong thực tế dạy học hiện nay, khi GV buộc phải dạy cho HS những kiến thức được quy định chặt chẽ trong SGK, tức là chương trình gộp chung vào SGK, thì Bộ GD-ĐT không thể ra những đề thi có nội dung vượt khỏi phạm vi của SGK (bởi những nội dung đó cũng không thuộc chương trình học). Do vậy, nếu ra đề với những tác phẩm nằm ngoài SGK như Bộ GD-ĐT từng tuyên bố, thì đó là một quyết định sai lầm tai hại.
Về lâu dài, để chủ trương chuyển từ việc yêu cầu HS học thuộc lòng những nội dung đã đọc hiểu của các tác phẩm có trong SGK sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển vào việc đọc hiểu các tác phẩm khác không có trong SGK nhưng có kết cấu nội dung, độ khó tương đương những tác phẩm đã học nhận được sự đồng thuận của giới chuyên môn và dư luận, Bộ GD-ĐT cần tách chương trình học khỏi SGK để GV thực hiện, còn lựa chọn bộ SGK thích hợp thuộc quyền của GV, hoặc GV tự viết và dùng sách của chính mình hay tự do tham khảo các thông tin từ sách, báo… mà không cần SGK. Khi đã đưa chương trình học và SGK về đúng chức năng của nó thì Bộ GD-ĐT có quyền ra những đề thi có tác phẩm ngoài SGK miễn là trong giới hạn những tác phẩm, chủ đề nghị luận được quy định trong chương trình học; còn GV sẽ dựa trên những định hướng của chương trình học để thể hiện năng lực khoa học và nghệ thuật sư phạm của mình trong hoạt động dạy học; HS sẽ không bị bó hẹp suy nghĩ trong SGK, thỏa sức phát huy tư duy phê phán, tư duy sáng tạo nên sẽ không (và không thể) học vẹt theo SGK. Nói chung, chúng ta phải thực hiện phương châm “học gì thi đó”, chỉ có khác là: Trong lúc này, phải ra đề thi dựa vào SGK (vì chương trình học gộp chung với SGK); sau khi cấp chương trình học cho GV, phải ra đề thi dựa vào chương trình học, không phải SGK.
Tóm lại, đổi mới dạy học nói chung và cải tiến thi tốt nghiệp THPT nói riêng đều phải nhắm đến mục đích: Nâng cao chất lượng dạy học. Nhưng nếu không tuân thủ các nguyên lý của khoa học giáo dục thì sẽ dẫn đến kết quả trái với mục đích đề ra.
Hồ Thanh tâm (GV Trường THPT Gia Định, TP.HCM)
Bộ GD-ĐT cũng nên lưu ý đến thời điểm công bố quyết định đổi mới và tiến trình thực hiện. Vừa qua, GV và HS chưa hết ngỡ ngàng trước quyết định cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, lại phải hoang mang đón nhận tiếp những thông tin liên quan đến đổi mới thi cử được liên tục cập nhật. Kế hoạch học tập đã được vạch ra từ đầu năm học, được triển khai suôn sẻ trong 9 tháng qua nhưng đến thời điểm gần cuối chặng đường, tức là chỉ còn hơn một tháng nữa là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp, thì những quyết định đổi mới của bộ quả là bất ngờ lớn đối với GV và HS!