Thứ tư, 27/3/2013, 14h03

Xây dựng thương hiệu nhà trường

Trước khi đi vào vấn đề đổi mới công tác quản lý nhà trường của hiệu trưởng, chúng ta cần nhìn lại những thay đổi, thách thức cần có của nhà trường trước tình hình mới hiện nay - nhà trường phải đào tạo được những học sinh (HS) thể hiện sự hiểu biết cũng như các kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống.
Sự thay đổi ở đây chủ yếu là học tập. Bối cảnh dạy học cũng thay đổi, giáo viên (GV) là người chịu trách nhiệm về việc học tập của HS cũng phải học để thay đổi. GV thay đổi để tương quan với sự thay đổi  của HS - người học tập - ngoài ra, còn cần phải có sự thay đổi của cả bộ máy, hệ thống quản lý trong nhà trường, mà không ai khác hơn chính là sự thay đổi của nhà quản lý - hiệu trưởng (HT).
1. Thực tế hiện nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng HT nhà trường thường là quản lý hành chính, rất ít HT là người thực sự lãnh đạo hoạt động giảng dạy. Vì sao? Vì các chương trình bồi dưỡng HT nhấn mạnh năng lực quản lý hành chính, không nhấn mạnh vai trò lãnh đạo chuyên môn; thiếu đào tạo sâu về vai trò lãnh đạo hoạt động giảng dạy của HT, thiếu thời gian thực hiện các hoạt động giảng dạy; khối lượng công việc bàn giấy ngày càng nhiều và mong đợi của cộng đồng là vai trò HT là vai trò của một nhà quản lý. (Xem bảng dưới đây)
 
  
 
HT phải tạo được sự thúc đẩy tương tác đồng nghiệp của GV
Cùng một lúc, HT thực hiện nhiều vai trò trong nhiệm vụ quản lý nhà trường. Nhưng để nhà trường là một tổ chức học tập có hiệu quả thì HT phải có sự chuyển đổi vai trò từ nhà quản lý hành chính sang nhà lãnh đạo chuyên môn.
Bởi vì, trường học có HT là người lãnh đạo hoạt động giảng dạy thì tất cả mọi người đều nói về việc dạy và học (GV, HS, cha mẹ (CM) HS, các thành viên) và có như thế thì mới có thể nói đến vấn đề đổi mới công tác quản lý, xây dựng “thương hiệu” nhà trường của HT.
2. Đổi mới công tác quản lý chính là để HT mang lại hiệu quả chất lượng giáo dục của nhà trường. Vai trò phát triển chất lượng giáo dục nhà trường và đổi mới công tác quản lý là hai nhiệm vụ không thể tách rời biệt lập trong nhiệm vụ của HT. Để xây dựng nhà trường có chất lượng, HT phải xây dựng được tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị sẽ đạt được trong tương lai đối với thế hệ đào tạo. HT phải dự đoán được vị trí của nhà trường đang ở đâu, đang ở tầm nhìn nào? Cần có giá trị gì để thay đổi thương hiệu cho chính mình. Một số công việc HT phải làm cho công tác đổi mới quản lý nhà trường như sau: HT không chỉ là nhà lãnh đạo hành chính mà phải chính là nhà lãnh đạo hoạt động giảng dạy; HT lập kế hoạch hoạt động giảng dạy; HT dành thời gian lên lớp để chia sẻ thông tin với GV; HT truyền đạt tầm nhìn; cung cấp nguồn lực thời gian; lập kế hoạch bồi dưỡng và đánh giá cải thiện hơn nữa hoạt động giảng dạy của đội ngũ trong nhà trường.
Trường học văn hóa là trường học luôn tạo điều kiện thuận lợi cho GV cùng làm việc; GV làm việc với tinh thần hợp tác hỗ trợ; quan hệ tương tác giữa GV với GV, GV với lãnh đạo nhà trường là thẳng thắn và trung thực.
3. Trường học đổi mới là trường học tổ chức học tập, lấy HS làm trung tâm:  Tất cả những nỗ lực phấn đấu của thầy cô đều nhằm phục vụ tất cả cho HS, giúp đỡ các em học tập (bồi dưỡng, phụ đạo…), thu hút HS vào công việc của nhà trường (hoạt động Đoàn, Đội), tôn trọng và tôn vinh nét khác biệt về văn hóa trong HS, lấy phúc lợi HS là ưu tiên số 1 (quỹ khen thưởng, quỹ khuyến học: Tỷ lệ cho HS luôn cao hơn tỷ lệ cho GV).
HT chính là người thổi luồng không khí đổi mới tác động đến đội ngũ của mình, tạo bầu không khí tích cực trong nhà trường: Nhà trường có ý thức trật tự, tính mục đích và phương hướng nhất quán giữa GV, một không khí động viên khuyến khích, trong đó HS được khen thưởng; một môi trường lấy công việc làm trung tâm; tạo một môi trường học tập thân thiện với những mong đợi và lạc quan cao về việc học của HS. Ngoài ra, HT phải tạo ra được sự thúc đẩy tương tác đồng nghiệp của GV: GV tham gia vào những quyết định tác động đến công việc của mình, được kiểm soát hoặc được giao quyền tự chủ hợp lý để tiến hành công việc (soạn giáo án, soạn đề kiểm tra, đáp án, kiểm tra HS…). GV được đối xử tôn trọng và nghiêm chỉnh. GV hợp tác với nhau theo tinh thần đồng nghiệp để thực hiện hoạt động giảng dạy, lập kế hoạch chương trình giảng dạy và điều chỉnh thói quen giảng dạy. GV phải luôn được bồi dưỡng đào tạo nghiêm chỉnh để giúp họ phát triển hơn nữa. Tăng cường năng lực về phát triển đội ngũ là một nhân tố thành công chủ yếu khi muốn nâng cao chất lượng nhà trường. Bên cạnh đó, HT luôn khuyến khích sáng tạo giải quyết vấn đề trong đội ngũ; GV luôn có giải pháp kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ của mình với ý thức cam kết sáng tạo kiên trì và chuyên nghiệp.
Trường học thu hút sự tham gia của CMHS và xã hội: Nhà trường thiết lập nhiều phương pháp khác nhau để giao tiếp, cũng như làm việc với CMHS; CMHS được tham gia vào tất cả lĩnh vực học tập của con mình. Việc học tập của các em là những đóng góp cần thiết và đáng trân trọng. HT xây dựng mối quan hệ giao tiếp ứng xử của đội ngũ, HS, các thành phần khác trong nhà trường trên tinh thần dân chủ, thân thiện. Nhà trường phải xây dựng được các giá trị mà mình đã đặt ra.
Tóm lại: Nhà trường có đổi mới hay không đều do tác động của vai trò HT. HT có đổi mới, có chịu sự thay đổi để phát triển thì nhà trường mới có động lực đổi mới. Đổi mới công tác quản lý, HT phải xuất phát từ định hướng tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị mà mình đặt ra, xây dựng thực hiện cho đối tượng giáo dục của mình. HT phải đổi mới từ trong nhận thức, chấp nhận đối đầu với thử thách, rồi đi đến đề ra kế hoạch tổ chức thực hiện.
Dương Minh Châu
(Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM)
Tham khảo tài liệu tập huấn SREM
 
LTS: Ngày mai (28-3), tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp cùng Phòng GD-ĐT quận 7 tổ chức buổi tọa đàm “Vai trò của người hiệu trưởng trong công tác đổi mới quản lý giáo dục” dành cho hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn quận. Dưới đây là tham luận của Trường THCS Huỳnh Tấn Phát đề cập đến vai trò của người hiệu trưởng trong việc xây dựng thương hiệu nhà trường.
 
 
“Nói ít học nhiều”
Để công việc đổi mới quản lý nhà trường mang lại hiệu quả cao hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời kì hội nhập kinh tế toàn cầu, cần điều chỉnh khung chương trình học “nói ít học nhiều”, giảm khối lượng kiến thức bác học, đưa vào nhiều giờ thực hành, vận dụng. Công tác kiểm tra định kì, thường xuyên đối với HS nên theo hướng mở của chủ đề, không đóng khung chương, bài để tránh học vẹt; phải có sự đột phá trong khâu chấm bài:  GV giải quyết vấn đề đa dạng theohướng hiểu biết của HS, nhưng không lệch lạc tư tưởng, chuẩn mực đạo đức, tri thức thì phải được đánh giá cao, để tránh khuôn mẫu sáo rỗng… Từ đó công việc đổi mới trong nhà trường mới thực sự mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, mà theo tôi đây chính là đích đến công việc của người HT trong thời kỳ mới.