Thứ năm, 26/3/2015, 22h03

Yêu cầu phải đổi mới kiểm tra - đánh giá

Năm 2014,Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận đã kết hợp với Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức hội thảo “Đổi mới phương thức quản lý trường học”
Ngày 28-3, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận (TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa đổi mới kiểm tra - đánh giá với đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới toàn diện nhà trường”. Hội thảo nhằm mục đích đưa ra những ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp kiểm tra - đánh giá để người dạy có cách chọn lựa phù hợp theo điều kiện và đối tượng cụ thể.
Giáo dục TP.HCM xin ghi lại ý kiến của một số đại biểu có tham luận tại hội thảo.
Tầm quan trọng của đổi mới kiểm tra - đánh giá
PGS.TS Tô Bá Trượng (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đưa ra 3 câu hỏi cần có sự trả lời, đó là lý do vì sao phải đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới phương pháp muốn có hiệu quả thì phải đi theo định hướng nào? Trên cơ sở đó mới đưa ra quan điểm, phương pháp và kỹ thuật dạy học. Trong khi đó từ cách nhìn học sinh thụ động trong cách học, PGS.TS Nguyễn Gia Cầu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) đưa ra cách giúp các em khắc phục học tập thụ động để từ đó hình thành phương pháp học tập tích cực chủ động, sáng tạo hơn. Đi sâu hơn về vấn đề này, TS. Ninh Văn Bình (Trường ĐH Sài Gòn - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) đã đưa ra những cơ sở pháp lý khoa học về đổi mới phương pháp dạy học. Đó là việc kiểm tra - đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh có vai trò rất quan trọng. Vừa giữ vai trò động lực thúc đẩy quá trình dạy học lại vừa có vai trò “bánh lái” giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy và giúp học sinh thay đổi phương pháp học tập để phù hợp với hình thức, phương pháp kiểm tra nhằm đạt kết quả cao. Theo TS. Ninh Văn Bình, để đáp ứng với nhu cầu của thời kì mới, gần đây ngành giáo dục đang từng bước thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo, tuy nhiên việc kiểm tra - đánh giá vẫn chưa được nghiên cứu một cách đúng mức, nhiều khi còn tùy tiện, chủ quan, thiếu chính xác nên việc đánh giá chất lượng đào tạo chưa thực chất, còn nhiều vấn đề bất cập trong việc sử dụng nguồn nhân lực cho xã hội. Điều đó cho thấy việc thay đổi một hệ thống chương trình và phương pháp đào tạo mà không thay đổi hệ thống kiểm tra - đánh giá thì cũng không thể đạt được mục đích mong muốn.
Để nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường, cùng với việc đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung và đổi mới phương pháp đào tạo thì cần phải đổi mới hình thức và phương pháp kiểm tra - đánh giá kết quả học tập của học sinh. Vấn đề đặt ra là phải xác định cho được những cơ sở lí luận, thực tiễn của việc đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra - đánh giá, trên cơ sở đó xác định các hình thức, phương pháp và nội dung kiểm tra - đánh giá cho phù hợp. Về thực chất đây là những nghiên cứu của việc đổi mới dạy học theo quan điểm của lí luận dạy học hiện đại.
Những đòi hỏi từ thực tiễn
Theo GS.TSKH Thái Duy Tuyên (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), mặc dù mỗi thời kỳ có quan niệm khác nhau về đổi mới phương pháp dạy học nhưng những căn cứ chung để đổi mới thì phải theo một “mẫu số chung”. Đó là những căn cứ có thể nói bất di bất dịch như sự mở rộng chức năng của mục đích dạy học trong tình hình mới, vận dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật hiện đại để đổi mới phương pháp dạy học.
Từ thực trạng cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) đã đưa ra những giải pháp mang tính thực tiễn để khắc phục tình trạng khập khiễng giữa đổi mới kiểm tra - đánh giá với đổi mới phương pháp vốn là “cặp bài trùng” với nhau. Trong khi đó NGƯT.ThS Nguyễn Minh Châu (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh) cho rằng, kiểm tra - đánh giá là cơ sở để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện nghiêm túc việc đổi mới hình thức kiểm tra, tổ chức các kỳ thi an toàn, đúng quy chế, đánh giá đúng chất lượng giáo dục.
Thực tiễn cho thấy, việc tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ của người học chỉ có ý nghĩa khi nó được phối hợp, kết nối trở thành năng lực giải quyết một cách có hiệu quả các tình huống đặt ra trong nhiệm vụ học tập, lao động, làm việc và cuộc sống. Năng lực là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ và vận hành chúng một cách hợp lý vào thực hiện thành công nhiệm vụ hoặc giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra của cuộc sống. Để giảng dạy có hiệu quả, hình thành năng lực, phẩm chất của người học, người giáo viên cần hiểu rõ về đánh giá: Đánh giá để phát triển học tập, đánh giá quá trình học và đánh giá kết quả học tập. Đánh giá để phát triển học tập hay đánh giá vì sự tiến bộ của người học là kiểm tra - đánh giá trong suốt quá trình dạy học, giúp học sinh so sánh phát hiện mình thay đổi thế nào trên con đường đạt mục tiêu học tập của cá nhân.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
“Mặc dù mỗi thời kỳ có quan niệm khác nhau về đổi mới phương pháp dạy học nhưng những căn cứ chung để đổi mới thì phải theo một mẫu số chung”, GS.TSKH Thái Duy Tuyên (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), cho biết.