Thứ năm, 18/9/2014, 20h09

6 lý do không cho trẻ đeo trang sức

Phụ huynh không nên cho trẻ đeo trang sức đến trường. Ảnh: N.TRinh
Thời gian qua, liên tục có những vụ việc kẻ xấu dụ dỗ, trấn lột, thậm chí cướp giật trang sức của học sinh (HS) đeo khi đi học. Đã có nhiều ý kiến cảnh báo về việc này, như “cho trẻ đeo trang sức, đeo luôn họa”, “nguy hiểm khi cho trẻ đeo trang sức quý đến lớp”… Tuy nhiên, việc quan tâm của phụ huynh đôi khi còn lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác.
Trên thực tế, việc trẻ đeo trang sức rất dễ tạo sự chú ý, lòng tham của một số đối tượng xấu. Bởi chúng biết trẻ thường ít có khả năng phản kháng, lại không đủ kinh nghiệm để phán đoán được đâu là kẻ xấu, đâu là thủ đoạn xấu… nên nhiều em trở thành nạn nhân. Nếu gặp may (không bị mất của, không bị thương tích) thì khi lỡ bị tấn công hoặc dụ dỗ, các em dễ bị đọng lại nỗi hoảng sợ thường xuyên hay có tâm lý không tốt khi gặp đám đông hoặc thấy người nào có biểu hiện giông giống kẻ đã tấn công mình. Như vậy, không cần nhắc lại các thủ đoạn của bọn xấu cũng thấy việc cho trẻ đeo trang sức là điều hết sức nguy hiểm, cần phải hạn chế tối đa.
Dù vậy, không phải chỉ cảnh giác với tội phạm cao độ rồi có thể cho rằng nên cho trẻ đeo trang sức, nhất là khi đi học “để cho đẹp”, “để thể hiện gia đình khá giả”… Việc đeo trang sức cho trẻ khi các em còn nhỏ (từ bậc THCS trở xuống) là điều không nên, xét ở rất nhiều góc độ.
Thứ nhất, đeo trang sức chưa hẳn là cách làm đẹp cho trẻ. Dĩ nhiên, cảm thụ thế nào là đẹp còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, thế nhưng, với một đứa trẻ, vẻ đẹp đó nên là sự hồn nhiên, tự nhiên của sự chăm chút quần áo, giày dép, tóc tai… một cách gọn gàng, lịch sự, chứ không phải là vẻ lấp lánh của trang sức. Một chiếc cài đầu có hoa tươi màu, một cái kẹp tóc có hình bướm đối với bé gái, một chiếc nơ trên cổ đối với bé trai rõ ràng là rất đẹp mà không có trang sức nào so sánh được. Vì vậy, phụ huynh cho rằng cho con đeo trang sức mới đẹp là chưa hiểu hết vẻ đẹp tự nhiên vốn có của con mình, chỉ cần trang điểm thêm cho con tình yêu thương đúng mực thì đứa bé ấy đã là thiên thần rồi.
Thứ hai, đeo trang sức có thể tạo ra tính điệu đàng, lâu dần tạo thành thói quen chuộng hình thức của trẻ. Tâm lý sính vẻ đẹp bằng trang sức (hoặc những vật có tính trang sức) từ cha mẹ hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến trẻ. Nhất là với các em gái, “học đòi” thói quen đeo trang sức, các em có thể lớn lên với tâm lý chuộng hình thức, cảm thấy phải có gì đó cầu kỳ kiểu “hoa lá cành” thì mới đẹp; điều đó có thể trở thành một kiểu sống khác người, kệch cỡm.
Thứ ba, đeo trang sức, nhất là trang sức quý, có thể tạo ra sự kiêu ngạo, khoe của cho trẻ. Khi nhận thức được rằng mình đang đeo trên người vật đáng giá, các em sẽ rất tự hào và có thể khoe với nhiều người khác. Khi được bạn bè trầm trồ, ngưỡng mộ, trong đầu các em có thể sẽ sinh ra tính kiêu căng, một kiểu “ta là riêng”, lâu dần nếu không được uốn nắn có thể thành một tính cách tự phụ, một cách sống xa hoa…
Thứ tư, đeo trang sức khi trẻ chưa đủ sức và đủ ý thức giữ gìn có thể làm mất. Không kể bị lừa gạt, chiếm đoạt, bản thân các em cũng dễ làm mất khi vui chơi. Một số em có thể vì vậy mà đâm sợ hãi, giấu cha mẹ, từ đó sinh ra thói quen nói dối, một số em khác có thể bịa chuyện để cha mẹ khỏi phạt, cũng có thể sinh ra những hậu quả tai hại, thậm chí có em không dám về nhà… Như vậy, cha mẹ có khi phải chịu mất của mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của con.
Tốt hơn hết là phụ huynh nên giữ sự hồn nhiên, trong sáng cho trẻ bằng vẻ đẹp vốn có, tránh tạo rủi ro đáng tiếc cho con em mình từ những món trang sức! Đó cũng là một cách giáo dục về lối sống lành mạnh cho trẻ!
Thứ năm, đeo trang sức có thể gây ra những nguy hiểm về sức khỏe cho trẻ. Trang sức đeo lâu ngày nếu không được vệ sinh kỹ sẽ là một ổ vi trùng, có thể gây dị ứng và các bệnh ngoài da cho trẻ. Không chỉ vậy, với sự hiếu động của trẻ, khi đeo nhẫn, lắc, bông tai có thể gây thương tích cho bản thân và các bạn nếu có va chạm, té ngã…
Thứ sáu, cho trẻ đeo trang sức đến trường có thể gây ra những tình huống không hay trong ứng xử với giáo viên, với các bạn học khác. Một khi trẻ bị mất đồ trang sức trên lớp, trong trường, bất kể vì lý do gì, cũng có thể là một vấn đề mà giáo viên phải xử lý, như tham gia tìm kiếm, động viên các bạn khác trả lại nếu có nghi ngờ ai đó lấy, cảnh báo các học sinh khác không được đeo trang sức… Từ đó, có thể phát sinh những mối ngờ vực trong các em, gây ra những ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý đối với trẻ…
Hiện nay, một vài món trang sức bằng vàng, bạc như bông tai, dây chuyền, vòng, nhẫn… có thể không phải là thứ xa xỉ, quá đắt tiền với hầu hết các phụ huynh, vì vậy một số người sẵn sàng sắm cho trẻ đeo. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên cân nhắc kỹ, bởi trừ một vài dịp gì đó đặc biệt và phải an toàn, còn lại phần lớn trường hợp, nhất là khi đi học, không nên cho trẻ đeo trang sức.
Ở lứa tuổi học sinh, trẻ cần được giáo dục về tính giản dị, tiết kiệm, đồng thời cần có những cảnh báo, nhắc nhở về các rủi ro và cách thức vượt qua. Dù vậy, rủi ro, nguy hiểm do đeo trang sức mang lại thật khó lường, kể cả với người lớn.
Trúc Giang (Thủ Đức, TP.HCM)
 LTS: Sau khi Giáo dục TP.HCM ngày 10-9 đăng bài Nguy hiểm rình rập khi trẻ đeo trang sức phản ánh hiện tượng kẻ xấu trấn lột đồ trang sức của học sinh, tòa soạn đã nhận được ý kiến của một phụ huynh trao đổi về vấn đề này. Dưới đây là nội dung bài viết, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc.