Thứ năm, 10/11/2011, 16h11

Ba phương pháp dạy sử hiệu quả

Cho HS đi tham quan bảo tàng cũng là cách dạy sử hiệu quả 

Dạy lịch sử không chỉ tái hiện sự kiện mà còn tạo hứng thú và kích thích sự tò mò của học sinh (HS). Ngoài tính cụ thể, kiến thức lịch sử còn mang tính hệ thống vì các bài tưởng như độc lập, riêng lẻ nhưng lại liên kết với nhau theo một quy luật chung. Không chỉ dạy cho HS thuộc bài nắm sự kiện, nhân vật, không gian và thời gian mà còn phải biết cách lập luận (đặt câu hỏi tại sao và tự trả lời). Ví dụ, sự kiện sai lầm của Hít-le trong việc ký Hiệp ước với Liên Xô, nếu người dạy khai thác tốt sẽ kích thích sự hứng thú và tò mò từ HS khi học Chiến tranh thế giới lần 2. Tôi xin đưa ra ba phương pháp dạy lịch sử để các thầy cô tham khảo:
Thứ nhất là phương pháp trực quan: thông qua lược đồ, biểu đồ, người thật việc thật, giáo viên tái hiện lịch sử bằng tranh ảnh, sa bàn. Làm sao đừng để HS vô cảm trước những sự kiện những vấn đề của thời đại có ý nghĩa lịch sử. Thứ hai là phương pháp trao đổi, đàm thoại: chủ yếu là dùng câu hỏi đàm thoại nhưng nếu câu hỏi dễ quá thì HS mau chán vì chỉ cần nhìn vào SGK là trả lời được. Nên đưa ra những câu hỏi phát vấn để người học đào sâu kiến thức (nhất là các HS giỏi) theo kiểu: Vì sao? Tại sao? Nguyên nhân nào? Dẫn dắt HS vào các tình huống có vấn đề bằng cách đưa ra các khả năng hoặc lật ngược vấn đề theo giả định. Không chỉ dạy bằng chính sử mà phải dạy bằng dã sử (những câu chuyện theo kiểu truyền thuyết) như một số thầy cô đã làm nhằm gây hấp dẫn hơn cho giờ dạy (như câu chuyện cướp vợ theo kiểu nhà binh của Trần Hưng Đạo là một ví dụ). Thứ ba là tổ chức dạy học hợp tác: hình thức phổ biến nhất là thảo luận theo tổ - nhóm. Đây là phương pháp phát huy tính tích cực chủ động của người học, tránh lối học nhồi nhét thụ động làm cho HS lười suy nghĩ, không động não.
Cuối cùng, điều tôi muốn nói tới là việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy lịch sử - đây là việc nên làm vì có hiệu quả cho từng bài dạy. Tuy nhiên nên tiến hành ở mức độ chấp nhận được, không biến đọc - chép thành chiếu - chép.
Lê Văn Chương
(Chuyên viên Phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM)