Thứ ba, 22/1/2013, 17h01

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Tạo điều kiện để học sinh học tốt, thầy cô giáo dạy tốt hơn

Ngày 21-1, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận 5 về chuyên đề “Vấn đề lạm thu, dạy thêm, học thêm” trên địa bàn quận 5.

Theo Phòng GD-ĐT quận 5, 80% học sinh của quận học thêm và việc dạy thêm, học thêm (DT-HT) được giao cho hiệu trưởng các trường THCS, TH quản lý, chịu trách nhiệm về đạo đức, chuyên môn của giáo viên. Trong kiểm tra giám sát hoạt động này, nếu phát hiện giáo viên nào dạy thêm không đúng yêu cầu, phòng sẽ xử lý ngay.

Về vấn đề lạm thu, phòng khẳng định các trường trên địa bàn đều thu trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng thuận của phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhìn chung hoạt động DT-HT đáp ứng nhu cầu kèm cặp học sinh theo yêu cầu, trong đó bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém, phụ huynh không có điều kiện đón về sớm và nâng cao trình độ, kỹ năng học sinh giỏi.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến đều cho rằng DT-HT là nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người học lẫn người dạy và cần có cái nhìn khách quan, không nên áp đặt một cách cứng nhắc.

Cử tri và cán bộ ngành giáo dục quận 5 trao đổi với Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải. Ảnh: Việt Dũng

Cử tri Nguyễn Vĩnh Xuyên (phường 3) nêu ra hai vế của vấn đề: “Chương trình học hiện quá tải, nhồi nhét quá nhiều kiến thức nên buộc học sinh phải học thêm và lương giáo viên không đủ sống nên họ cần dạy thêm để cải thiện cuộc sống. Đây là nhu cầu hoàn toàn có thực và ước mơ lớn nhất là không thầy cô giáo nào phải dạy thêm”. Như vậy, phải giải quyết tận gốc vấn đề bức xúc này.

Cử tri Trần Xuân Nùng, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, khẳng định: DT-HT chẳng có gì sai phải cấm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải chấn chỉnh sao cho minh bạch, nghiêm chỉnh, rõ ràng. Ông Nùng đề xuất, đối với học sinh khá giỏi thì không cần phải học thêm, nhưng học sinh học lực yếu thì cần tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo.

Ở góc nhìn khác, một cán bộ hưu trí cho rằng cần chấn chỉnh dạy thêm đối với trường hợp giáo viên “đì” học sinh hoặc cố tình gây áp lực bắt học sinh học thêm như đầu năm cho điểm thấp, theo cô học thêm thì được điểm cao.

Đề cập về vấn đề “lạm thu”, ông Nùng cho rằng nhu cầu này phát sinh từ thực tiễn nguồn chi từ ngân sách eo hẹp. Nếu muốn cải tạo, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị - tạo môi trường học đường tốt mà không thu thêm, vận động xã hội hóa thì nhà trường lấy đâu ra nguồn chi? Tuy nhiên, để tránh “lạm thu” quá cao thì ngay từ đầu năm học, cần bàn bạc, thống nhất cụ thể về các khoản thu thêm và báo cáo quận ủy, UBND quận để thống nhất mức thu và các trường không được tùy tiện thu thêm bất kỳ khoản nào.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng để giúp giáo viên dạy tốt, học sinh lĩnh hội những kiến thức cần thiết thay vì bị nhồi nhét thì Bộ GD-ĐT phải sớm soạn thảo nội dung, chương trình tốt - phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh.

Đại diện lãnh đạo Trường Khuyết tật Tương Lai quận 5 cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của trường là thiếu nhân sự, đặc biệt là giáo viên dạy học sinh chuyên biệt, khuyết tật. Ngành này vốn thu hút ít sinh viên và đa phần có hộ khẩu ở tỉnh thành khác, vì thế rất khó tuyển dụng. Trường kiến nghị được tuyển sinh viên ra trường có hộ khẩu tạm trú KT3 và TP cần có chính sách. Tương tự, cô Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng Trường TH Minh Đạo, tha thiết đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng của trường. “Nhu cầu bán trú rất cao, đội ngũ phục vụ nhu cầu bán trú làm việc vất vả không kém giáo viên, trong khi đó, ngoài đồng lương từ phụ huynh họ chẳng có chế độ nào thêm từ ngân sách, nên quyền lợi của họ không tương xứng với sức lao động đã bỏ ra”, cô Ngọc Anh phản ánh.

Một vấn đề bức xúc kéo dài trong ngành giáo dục nhiều năm qua được cô Lê Thị Bích Hà, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm Non 5A, đề nghị TP cần có chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên được thuê nhà, mua nhà trả góp…

Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc, đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng những ý kiến đóng góp sâu sát, thiết thực của cử tri quận 5 sẽ giúp lãnh đạo TP thấu hiểu những vấn đề nổi cộm-bức xúc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Xung quanh chuyện “lạm thu, dạy thêm, học thêm”, đồng chí chỉ đạo TP phải lấy ý kiến thật kỹ, nhiều chiều nhằm mục đích tạo điều kiện để học sinh học tốt hơn, thầy cô giáo dạy tốt hơn. Đối với ba vấn đề cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng, nhà ở cho giáo viên và kiến nghị được phép tuyển dụng giáo viên chuyên biệt không có hộ khẩu TP, đồng chí cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT TP phải báo cáo tình hình thực tế và tham mưu cụ thể để TP có hướng giải quyết phù hợp.

Ngoài chủ trương nhà ở xã hội của TP dành cho những đối tượng thu nhập thấp, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đề nghị quận 5 tìm nguồn, tạo quỹ nhà ở bằng cách cải tạo chung cư cũ, khu phố cũ. Để giải quyết tận gốc những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục nói chung và cử tri kiến nghị nói riêng, đồng chí Lê Thanh Hải khẳng định cần phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Khánh Bình - Vân Anh

Theo SGGP