Thứ năm, 29/8/2013, 13h08

Bộ GD&ĐT giải đáp các vấn đề nóng năm học mới

Làm cách nào để chấn chỉnh tình trạng lạm thu? Bố trí sao cho đủ số học sinh lớp 1 tăng đột biến? Có nên bỏ chấm điểm cho học sinh lớp 1? Cách giải quyết tình trạng thiếu hàng chục nghìn giáo viên… Đó là hàng loạt các vấn đề nóng đã được đặt ra cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tại cuộc họp báo do Bộ này tổ chức chiều nay, ngày 28/8/2013, tại Hà Nội. Cuộc họp báo có chủ đề Chuẩn bị khai giảng năm học 2013-2014.

Lạm thu: Cần phụ huynh vào cuộc

Vấn đề thu chi đầu năm học mới luôn là một trong những chủ đề nóng được phụ huynh quan tâm nhất. Đặc biệt, tình trạng lạm thu xảy ra ở một số cơ sở giáo dục thời gian qua đã khiến nhiều người bức xúc.

Giờ học tiếng Anh của học sinh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Về vấn đề này, ông Lê Khánh Tuấn, Vụ phó Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã triển khai bốn nhóm giải pháp như xây dựng văn bản pháp lý làm hành lang cho các khoản thu với thông tư quy định về học phí, thông tư quy định về các khoản thu tự nguyện, các khoản tại trợ…

Bộ đã có văn bản chỉ đạo việc thực hiện rất đầy đủ đến các trường, yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi để xã hội giám sát.

Bên cạnh đó, Bộ thực hiện phân cấp quản lý. Theo đó, các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thanh tra Bộ xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và sẽ tăng cường kiểm trá giám sát.

“Chúng tôi cũng mong cha mẹ học sinh tham gia phát hiện, thông báo kịp thời với cơ quan quản lý,” ông Tuấn nói.

“Nóng” vấn đề lớp 1

Bên cạnh vấn đề thu chi đầu năm học mới, những thay đổi đột biến đối với bậc học lớp 1 năm nay cũng được nhiều báo chí quan tâm.

Do các bé sinh năm 2003, năm “heo vàng”, sẽ nhập học lớp 1 vào năm nay nên đã làm số trẻ đến trường tăng đột biến. Điều này khiến nhiều trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thắm, Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, việc số trẻ đến trường tăng mạnh vào năm nay đã được dự báo từ nhiều năm trước, vì thế, các địa phương đều có sự chủ động.

“Lớp học có thể tăng sỹ số nhưng chúng tôi khẳng định không có một em nào sinh năm 2003 không được vào học lớp 1,” bà Thắm nói.

Cùng với việc bùng nổ số lượng thì năm nay, quy định mới của Bộ về việc khuyến khích nhận xét thay vì chấm điểm cho học sinh lớp 1 cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Về vấn đề này, bà Thắm cho biết chỉ đạo của Bộ là đổi mới phương pháp dạy, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng khuyến khích học sinh để các em vui với việc đến trường.

Cũng theo bà Thắm, việc chấm điểm đã thành thói quen trong tiềm thức giáo viên và cả phụ huynh nên bước đầu có thể có những băn khoăn lo lắng, nhưng không chấm điểm không có nghĩa là không dõi theo học sinh. Đánh giá học sinh không chỉ có điểm số mà còn có năng lực, phẩm chất.

“Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn cho giáo viên về vấn đề này,” bà Thắm nói.

Khó giải bài toán giáo viên

Năm học mới đã cận kề nhưng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước thiếu khoảng 27.000 giáo viên ở các cấp học đồng thời thừa giáo viên ở một số môn và ở một số vùng miền.

Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đây là thực trạng nhiều năm và Bộ chưa giải quyết được. Việc vừa thừa vừa thiếu giáo viên do quy hoạch nhân lực ngành của các địa phương chưa hợp lý.

Thiếu giáo viên chủ yếu tập trung ở các vùng khó. Việc thiếu giáo viên còn do ngành giáo dục đang triển khai nhiều đề án như phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, bậc tiểu học học tăng lên 2 buổi/ngày, đề án ngoại ngữ 2020… khiến nhu cầu số lượng giáo viên tăng lên.

Trong khi đó lại thừa giáo viên ở vùng trung tâm.

Ông Minh cho biết, để khắc phục tình trạng trên, hai năm nay Bộ đã triển khai quyết liệt việc rà soát chất lượng giáo viên, đẩy mạnh các chính sách thu hút giáo viên vùng khó để ổn định giáo viên vùng này.

“Bộ cũng đang thực hiện đánh giá chất lượng các trường sư phạm, quy hoạch nhân lực của ngành để có hướng đào tạo phù hợp. Chẳng hạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, các trường sư phạm đã có ký kết với Sở để đào tạo có địa chỉ,” ông Minh nói.

Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận đây là vấn đề cần phải có thời gian và Bộ không dám chắc đến khi nào có thể giải quyết dứt điểm./.

Phạm Mai (Vietnam+)