Thứ tư, 1/4/2015, 08h04

Cần xác định môn học có lợi thế hơn

Ông Phạm Quý Trung đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra ở Trường Trung học Thực hành Sài Gòn (ĐH Sài Gòn) có rất đông phụ huynh học sinh tham dự. Vấn đề mà phụ huynh quan tâm là làm thế nào để dự kiến được điểm chuẩn? Chương trình đào tạo ở các trường tại sao không nâng cao thực hành?...
Có thể chọn môn thi ngoại ngữ không dạy ở trường
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, trong phần tư vấn chung của chương trình. Ông Cường lưu ý: “Ngày 30-4 sẽ kết thúc thời hạn nộp hồ sơ, vì thế thời điểm này các em phải lựa chọn môn thi phù hợp với lợi thế năng lực để đăng ký vì những môn này liên quan đến việc xét tuyển ĐH, CĐ của các em. Đối với môn thi ngoại ngữ, các em có thể chọn bất kỳ ngoại ngữ nào trong 6 danh mục Bộ GD-ĐT quy định như tiếng Trung, Nhật, Pháp…, kể cả ngoại ngữ học ở bên ngoài nếu các em cảm thấy có lợi thế hơn tiếng Anh”.
Ông Phạm Quý Trung, phụ huynh em Thụy Anh (học lớp 12A4), hỏi: “Được biết nguyện vọng 1 thí sinh chỉ được nộp vào duy nhất một trường nên rất quan trọng khi xét tuyển. Vậy chúng tôi có thể dự đoán điểm chuẩn như thế nào để xét tuyển?”. Về vấn đề này, ông Võ Viết Cường, Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Trước hết, thí sinh phải xác định môn học nào mình có lợi thế hơn để đăng ký dự thi đạt điểm cao. Sau đó, phải chia tốp trường để xem khả năng điểm chuẩn các trường như thế nào, chẳng hạn nếu được 18 điểm thì không thể vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Khi có điểm thi, các em lấy tổ hợp môn thi cộng điểm để đăng ký xét tuyển. Thông thường điểm dự tuyển không thay đổi bao nhiêu so với điểm chuẩn và các trường tốp trên đã tuyển đủ ngay ở nguyện vọng 1 nên các em cần lưu ý”.
“Đào tạo người thợ có đầu óc người thầy”
Tại buổi tư vấn, nhiều phụ huynh cũng quan tâm đến chất lượng đào tạo ở các trường. Ông Mai Văn Hùng, phụ huynh em Mai Quang Trí (học lớp 12A4), đặt câu hỏi: “Muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt, các trường phải đào tạo làm sao để một người thầy có bàn tay của người thợ, người thợ có đầu óc của người thầy. Vậy trường nào đào tạo người lao động như vậy để tôi cho con đăng ký xét tuyển”.
Về vấn đề này, ông Võ Viết Cường giải đáp: “Để chọn trường cho con, phụ huynh có thể tham khảo các yếu tố như lịch sử phát triển, triết lý giáo dục, chương trình đào tạo của trường có bao nhiêu chứng chỉ dành cho thực hành, thực tập. Nếu phụ huynh làm việc trong lĩnh vực mà nhà trường có đào tạo thì có thể kiểm tra được ngay. Tuy nhiên, các trường ĐH dạy những kiến thức nền tảng, cơ bản, tư duy giải quyết vấn đề. Còn việc thành công như thế nào thì yếu tố tự học vẫn là chính. Cùng học một trường, một chương trình đào tạo nhưng có người đi làm lương chỉ 4-5 triệu đồng/tháng, có người lương mỗi năm là 1 tỷ đồng. Vậy người thợ muốn có tư duy của người thầy thì phần lớn nhờ vào việc tự học là chính. Điều quan trọng nhất hiện nay là các em phải chọn nghề phù hợp với tố chất của mình, chọn trường tương xứng. Khi đã chọn được trường để học thì bản thân phải tự cố gắng rất nhiều”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: “Thị trường lao động hiện nay đúng là cần người thợ có đầu óc người thầy và người thầy có đôi tay người thợ. Tuy nhiên để làm được điều này thì các em cần tự rèn luyện nhiều hơn. Chẳng hạn, muốn trở thành kỹ sư xây dựng giỏi, trước hết các em phải biết những kỹ năng cơ bản của người thợ hồ xây tường…”.
Một phụ huynh thắc mắc tiếp: “Tính thực hành thực tế của sinh viên hiện nay vẫn còn thiếu, vậy làm sao khi ra trường các em có thể được tuyển dụng?”. Ông Nguyễn Quốc Cường cho hay: “Năm 2010 trở về trước, hầu hết các trường đều dạy theo kiểu đọc - chép, nhưng những năm gần đây đã xây dựng thế mạnh riêng, đào tạo theo chương trình tiên tiến, tăng cường tính thực hành thực tập. Nhiều trường đã xây dựng mô hình thực tập ngay tại trường hoặc liên kết với doanh nghiệp để đưa sinh viên đi thực tập…”.
Bài, ảnh: D.Bình