Thứ hai, 1/9/2014, 19h09

Cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất châu Á

Bùi Ngọc Thịnh chơi đàn guitar phím lõm
Bị mù từ khi lọt lòng mẹ, cậu bé Bùi Ngọc Thịnh đến với âm nhạc khi mới 6 tuổi. Năm 12 tuổi, Thịnh lập kỷ lục châu Á, là cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất (7 nhạc cụ). Đến nay, ở tuổi 14, kỷ lục gia này đã chinh phục được 12 loại nhạc cụ khác nhau.
Đứa con của đôi vợ chồng mù
Thịnh là đứa con duy nhất của đôi vợ chồng khiếm thị Bùi Văn Lộc - Lê Thị Thủy ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Anh Lộc từng có đôi mắt sáng, cho đến năm học lớp 11. Cùng với những cơn đau đầu không rõ nguyên nhân, đôi mắt anh mờ dần rồi những hình ảnh trở nên nhạt nhòa, không còn hình dạng. Đi khám bệnh, mới biết anh bị teo gai dây thần kinh thị giác. Nhà nghèo, gia đình anh đành chấp nhận sự sắp bày của số phận. Bóng tối vây bủa cuộc đời anh.
Để khuây khỏa nỗi đau không còn nhìn thấy ánh sáng, anh Lộc đến với Hội Người mù thị xã Ninh Hòa - mái ấm của những người cùng cảnh ngộ, tìm niềm vui đơn sơ từ những công việc mà người mù có thể làm được để thấy rằng mình vẫn có ích cho người thân, gia đình. Tại đây, anh gặp và yêu chị Lê Thị Thủy - một thiếu nữ khiếm thị bẩm sinh, đam mê ca cổ. Tình yêu của họ lập tức gặp sóng gió. Gia đình anh Lộc phản đối, chẳng phải vì không thông cảm với hoàn cảnh của chị mà chỉ vì họ mong con trai mình có được một người bạn đời lành lặn bình thường, có thể đỡ đần anh trong cuộc sống. Nhưng tình yêu có lý lẽ riêng. Anh Lộc, chị Thủy đã thuyết phục hai bên gia đình bằng tình yêu bền chặt của mình trong 6 năm. Họ nên vợ nên chồng.
Mang thai đứa con đầu lòng, chị Thủy ngày đêm cầu nguyện cho con được lành lặn khỏe mạnh, để sau này con lớn lên làm đôi mắt cho mẹ, chỗ dựa cho cha. Đến tháng thứ bảy của thai kỳ, trên đường đi bán chổi, chị Thủy bị sụp xuống lề đường. Cú ngã đó ảnh hưởng lớn đến cái thai trong bụng chị. Các bác sĩ đã phẫu thuật, và cậu bé Bùi Ngọc Thịnh ra đời sớm hơn những đứa trẻ bình thường 2 tháng. Đứa trẻ sinh non nhỏ như con mèo, phải nuôi trong lồng kính. “6 tháng tuổi cháu vẫn chưa biết lật, đưa đồ chơi cháu không cầm, tôi cứ nghĩ con mình yếu quá” - chị Thủy kể.
Khi Thịnh được 9 tháng tuổi, anh Lộc chị Thủy có cảm giác đất sụp dưới chân khi biết rằng đứa con trai mà mình đặt bao kỳ vọng cũng bị mù như cha mẹ. “Tôi đau đớn tưởng có thể chết được, nghĩ mình mù đã khổ quá rồi, giờ con mình cũng bị như vậy. Người ta nhìn, đã biết thằng bé bị mù nhưng không ai nói, sợ vợ chồng tôi buồn. Rồi các cô chú đến động viên, vợ chồng tôi mới gượng dậy mà sống”, chị Thủy xót xa nhớ lại.
Ánh sáng từ… âm nhạc

Bùi Ngọc Thịnh đàn cho mẹ hát ca cổ trong một buổi tập

Nỗi đau lặn vào trong, vợ chồng chị Thủy anh Lộc cặm cụi làm chổi đót, tăm tre ở Hội Người mù thị xã Ninh Hòa để kiếm tiền nuôi con và trang trải cuộc sống. Như nhiều người vẫn nói, ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Cậu bé Bùi Ngọc Thịnh không thể nhìn thấy mọi vật nhưng lại có đôi tai đặc biệt tinh tế. Mới 3 tuổi nhưng hễ nghe người ta chơi nhạc là Thịnh đòi mẹ dắt tới để nghe. Khi lên 4, Thịnh thường được mẹ đưa về nhà ngoại chơi. Nghe ông ngoại chơi đàn, cậu bé thích quá đòi học. Ông ngoại cười, xoa đầu đứa cháu mù, nói rằng con còn nhỏ xíu, trong khi thùng đàn bự, dựng cây đàn lên thì nó đụng cằm con, làm sao mà học được! Thịnh nói: Ông ngoại lấy cho con cái mũ sắt, cái xoong, cái nắp vung và hai ba cái lon, con làm bộ trống; lấy đôi đũa để con làm dùi trống. Nghe dàn trống của chú Bình, con mê quá. Và đứa trẻ 4 tuổi mải mê với “dàn trống” tự tạo đó.
Thịnh say mê chương trình đàn ca tài tử trên ti vi và trên đài phát thanh. Không nhìn thấy ca sĩ biểu diễn ra sao, nhạc công chơi đàn như thế nào nhưng cậu bé nghe như nuốt từng điệu đàn lời hát. Những đêm văn nghệ ở địa phương không bao giờ thiếu khán giả nhí Bùi Ngọc Thịnh. Nghe người ta chơi trống, Thịnh mon men đến, xin chơi thử. 6 tuổi, cậu bé xin cha mẹ cho đi học chơi trống. Thịnh kể: “Thầy không nhận, nói con bị khiếm thị, lại còn rất nhỏ. Con năn nỉ xin thầy cho học. Thầy dạy 3 điệu bolero, slow và rumba để con học thử xem có được hay không. Trong một buổi, con học được 3 điệu đó. Vậy là thầy nhận dạy trống cho con”.
Sau một năm học chơi trống, Bùi Ngọc Thịnh hướng niềm đam mê sang cây đàn guitar phím lõm nên tìm tới nhạc sư Xuân Hồi - người thành thạo khá nhiều nhạc cụ cổ. Với con mắt tinh tường, nhạc sư Xuân Hồi nhận ra cậu bé mù này có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc, tay lướt trên dây đàn từ dưới lên trên chứ không phải từ trên xuống dưới như bao người. Và ông dốc lòng dạy Thịnh cách chơi guitar phím lõm. Đây cũng là loại nhạc cụ làm cho cậu bé mù vất vả nhất. Những ngón tay non nớt của cậu bé 7 tuổi phải bấm sâu trên cần đàn, sưng lên, bật máu. Chị Thủy nghe nói vậy, xót quá, không cho con học nữa. Nhưng niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt cậu bé Bùi Ngọc Thịnh mất rồi. “Con rất thích chơi loại đàn cổ này nên quyết tâm học. Một năm sau, con đã đàn hát được bằng cây guitar phím lõm nhưng mà chưa hay, phải luyện thêm. Tới giờ con vẫn còn luyện guitar cổ”, Thịnh cho biết.
Trở thành kỷ lục gia châu Á
Miệt mài với cổ nhạc cho đến năm 9 tuổi, cậu bé mù bắt đầu quan tâm đến đàn điện tử. Nghe ti vi, nghe radio, thấy người ta chơi đàn organ hay quá, Thịnh xin ba mẹ đưa tới nhà thầy Nguyễn Giang Châu để học. Cậu bé có gương mặt bầu bĩnh thổ lộ: “Con học để mỗi khi đi biểu diễn, người ta chơi nhạc hiện đại, con cũng biết chơi; khi người ta chơi đàn cổ thì mình cũng hòa tấu được bằng đàn cổ”. 
Năm 11 tuổi, Thịnh tập chơi đàn sến, đàn nhị, sau đó tiếp tục làm bạn với đàn tranh, đàn kìm. Đến với âm nhạc bằng niềm đam mê, và cậu bé mù Bùi Ngọc Thịnh đã được âm nhạc bù đắp, mang đến những niềm vui để vượt qua thử thách nghiệt ngã của số phận. Không còn mặc cảm, không còn nỗi buồn vì sống trong bóng tối, cậu bé mù đã tìm thấy ánh sáng riêng cho đời mình: Ánh sáng từ âm nhạc. Và cậu trở thành ánh sáng, chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ.
Và, từ những sân khấu đơn sơ, được dựng lên để biểu diễn phục vụ người dân ở một số vùng quê Ninh Hòa, cậu bé mù Bùi Ngọc Thịnh bước lên Sân khấu Nhà hát lớn (Hà Nội), biểu diễn trước hàng trăm khán giả sành âm nhạc. Lắng nghe tiếng đàn của Thịnh, nhiều người đã lặng đi vì xúc động.
Sau 5 năm học nhạc, đến năm 2011, Bùi Ngọc Thịnh chơi được 5 loại nhạc cụ, lập kỷ lục Việt Nam. Thịnh kể: “Người ở Tổ chức Kỷ lục Việt Nam gọi điện đến nhà gặp ba, mời con vô Sài Gòn biểu diễn. Người ta nói “kỷ lục” mà ba nghe thành “kỷ luật” nên rất lo. Con nghĩ: Lẽ nào do mình học chơi nhiều nhạc cụ quá mà bị kỷ luật? Con mang đàn vô Sài Gòn, trong lòng lo lắng. Rồi con nghĩ: Mình ráng biểu diễn thật hay để người ta tha thứ cho mình. Đến khi nghe giới thiệu là Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, con hiểu ra và yên tâm biểu diễn. Khi nghe mình có tên trong danh sách những người được công nhận là kỷ lục gia Việt Nam, con vui lắm”.
Năm 2012, Bùi Ngọc Thịnh được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục “Cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất” (7 nhạc cụ, gồm: Trống, guitar phím lõm, organ, đàn sến, đàn nhị, đàn tranh, đàn kìm). Đại diện Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng chứng nhận cho Bùi Ngọc Thịnh nói rằng ông đã đi nhiều nơi, trao bằng kỷ lục cho nhiều người nhưng chưa có ai để lại ấn tượng đặc biệt như Thịnh.
Miệt mài tập đàn, chơi đàn, đến nay, cậu bé mù sống bên sông Dinh đã biết cách sử dụng 12 loại nhạc cụ. Thịnh đang học cách chơi đàn bầu và violon tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Khánh Hòa. “Em học vì đam mê chứ chẳng phải để chứng tỏ điều gì”, Thịnh thổ lộ.
Yên Lan