Chủ nhật, 21/12/2014, 22h12

Chàng trai giỏi công nghệ, yêu việc thiện

Vũ Đắc Hoàng Ân - chàng trai giỏi công nghệ, thích làm việc thiện
Hàng ngày, thay vì về nhà sau giờ tan trường, Vũ Đắc Hoàng Ân (cựu sinh viên Khoa CNTT Trường ĐH KHTN TP.HCM) lại lặng lẽ đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) để dạy các em khiếm thị ở đây. Ân cứ lặng lẽ với công việc này vào mỗi buổi chiều từ năm 2008 đến nay.
Cái duyên đến với trẻ khiếm thị
Đối với Ân, việc được kèm cặp các em khiếm thị là một điều hạnh phúc, là sự trải nghiệm chứa đầy ý nghĩa. Bởi qua những buổi dạy học, sinh hoạt hay ngồi ăn cơm cùng bàn với trẻ khiếm thị đã giúp Ân hiểu hơn về cuộc sống, về tâm sinh lý và những điều thiệt thòi của các em. Để từ đó, Ân cảm nhận cuộc sống xung quanh sâu sắc hơn.
Ân chia sẻ, em tham gia dạy học tình nguyện như một cái duyên. Cuối năm học lớp 12, một lần tình cờ đi ngang Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Ân không biết “phổ thông đặc biệt” sẽ dạy như thế nào, dạy những gì, ai tham gia học mặc dù em sinh ra và lớn lên ở thành phố. Không cưỡng lại sự tò mò, Ân vào trường tìm hiểu “đặc biệt” có gì khác biệt không. Trước các hình ảnh hoạt động, học tập, sinh hoạt hàng ngày của học sinh trong trường đã khiến Ân hết sức bất ngờ. Đó là những học sinh khiếm thị nhưng tinh thần, ý chí lại hết sức mạnh mẽ. Hình ảnh ấy cứ đọng mãi trong tâm trí Ân và em quyết định xin được dạy kèm cho các em, mặc dù trước đó em chưa từng tham gia các hoạt động xã hội.
Công việc bắt đầu từ năm 2008, lúc đó Ân là tân sinh viên ngành CNTT. Sau giờ học ở giảng đường, Ân lại về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu dạy, bất kể trời mưa hay nắng, thời gian sớm hay muộn. Tất cả các kiến thức về toán, lý, hóa, CNTT… đã được học Ân đều vận dụng để củng cố, giảng dạy cho các em. Phần nào các em chưa hiểu, Ân tận tình giảng thật kỹ, em nào muốn học về công nghệ, Ân sẵn sàng chỉ bảo, hướng dẫn. Theo đó, học trò của Ân dàn trải từ lớp thấp đến lớp cao.
Để truyền đạt được kiến thức cho các em khiếm thị, thời gian đầu, Ân phải thường xuyên tìm hiểu về chữ nổi, bàn tính soroban, kỹ năng giao tiếp... thông qua các lớp tập huấn của trường. Dù vậy, trong quá trình dạy, Ân cũng không tránh được những khó khăn như không biết phải diễn đạt ra sao để các em hình dung được các hình tam giác, hình tròn, màu xanh, màu đỏ... Thậm chí có lúc vì nói hơi lớn, các em tưởng Ân la mắng nên quay ra  tủi hờn, giận dỗi.
Ân gắn bó với các em hết năm này sang năm khác. Nhiều hôm không đi học, Ân cũng sang trường vui chơi, sinh hoạt cùng các em mặc dù quãng đường từ nhà (Q.Gò Vấp) đến trường khá xa, gần 20km. Có những thời điểm bài vở nhiều, rồi phải làm luận văn nhưng Ân vẫn cố gắng sắp xếp thời gian đến với các em. Thậm chí, trong các kỳ thi ĐH, Ân còn dành thời gian đưa - đón các em đi thi. Một số em từng là học trò của Ân đã đậu vào các trường nghề, CĐ và cả ĐH…
Sinh viên xuất sắc ngành công nghệ
Mấy ai biết rằng, chàng trai 9X tích cực dạy học tình nguyện ấy lại là một sinh viên xuất sắc của chương trình tiên tiến thuộc Khoa CNTT (chương trình đào tạo 6 năm). Vừa mới ra trường cách đây vài tháng, Ân đã có được một công việc ổn định với thu nhập khá.
Ân chia sẻ, để có thể học tốt, nắm vững kiến thức, ngoài đam mê thì người học cần có những kế hoạch học tập khoa học, cần chủ động đào sâu kiến thức. Công nghệ là ngành cơ bản, là hệ thống sử dụng các phần mềm phục vụ cho công việc hay đúng hơn là nền tảng cho các ngành khác. Chính vì thế, vai trò của ngành công nghệ ngày càng cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên sự phát triển của công nghệ diễn ra hàng ngày, thay đổi từng giờ, trong khi đó kiến thức sách vở chỉ ở mức cơ bản, thông tin mới đưa vào khá chậm. Nếu người học chỉ bám sát vào đây thì lượng kiến thức sẽ nghèo nàn, không theo kịp với sự thay đổi. Vì thế bản thân người học cần tìm thêm nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt là tài liệu nước ngoài để đọc hiểu và tăng cường thực hành. Khi đã xác định được mục tiêu, xây dựng được phương pháp học tập khoa học, đồng nghĩa với thói quen được hình thành sẽ giúp các bạn tìm được niềm say mê trong học tập và việc học dễ dàng hơn.
Bản thân Ân, trước kia dự định thi vào một ngành khác. Tuy nhiên năm học lớp 12, gia đình đã tạo điều kiện cho em tìm hiểu sâu về máy tính. Ân cho biết, qua mỗi lần thao tác, các trang web hiện ra nhiều vai trò, tính năng khác nhau, theo đó con người sẽ có được những thông tin đa dạng. Điều này khiến Ân tò mò, muốn thử sức. Bước đầu Ân cũng gặp những khó khăn nhất định trước mớ kiến thức về công nghệ. Tuy nhiên với phương pháp học tập trên, Ân đã tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng. Ngoài ra, theo Ân, phương pháp và kế hoạch học tập được thực hiện khoa học còn mang đến cho người học nhiều giá trị khác trong cuộc sống. Cụ thể là khi em có thời gian tham gia các công tác xã hội, em đã được trang bị rất nhiều kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử... Giá trị này giúp em trưởng thành hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Một số em từng là học trò của Ân đã đậu vào các trường nghề, CĐ và cả ĐH…