Thứ hai, 24/11/2014, 20h11

Chuyện xóa mù cho những người nửa tỉnh - nửa mê

- “Lớp làm văn xong chưa?”,
- “Dạ, xong hết rồi bố ơi!”; “Xong rồi bố! Bữa nay mệt, bố cho tụi con nghỉ sớm nghen!”.
- “Ừ, các con cứ học tích cực đi. Học xong bài bố cho nghỉ”.

Học viên tham gia lao động sản xuất
Nếu vô tình nghe được mẩu đối thoại ấy, người ngoài cuộc sẽ ngơ ngác chẳng hiểu “mô tê” sự thể thế nào. Nhưng với những người đang giảng dạy ở Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì quen lắm. Bao nhiêu năm gắn bó ở mảnh đất này, họ hiểu học viên, hiểu diễn biến sự tình như chính những buồn vui, thăng trầm trong cuộc đời họ.
“Lớp của tôi buồn cười lắm!”
“Ngày đầu tiên em vào chung (trung) tâm, nghề mà em yêu thiết (thích) nhất là đập điều. Một ngày chúng tôi đạp chung (trung) bình là 20kg điều. Sán (sáng), chúng tôi ra rượng điều, chúng tôi phải chờ chia đều, rồi chúng tôi vào mày (máy) đập đều. Chúng tôi đập tới trưa, chúng tôi đi về ăn cơm, ngủ trưa tới 1 giờ, trùng (trung) bình một tháng chúng tôi làng (lãnh) lương trung bình là 800 gằn (ngàn) đồng 1 tháng…”.
Đọc những dòng chữ ngô nghê, lộn xộn, nét chữ nguệch ngoạc đầy lỗi chính tả, chẳng ai nghĩ đó lại là bài tập làm văn của chàng thanh niên 24 tuổi. Ở cái tuổi ấy, trong khi nhiều người đã bắt đầu yên bề gia thất, lập nghiệp tiến thân thì Tùng - “tác giả” bài văn - mới chập chững vào lớp Bốn để tập viết, tập làm văn, tập những phép tính đầu tiên của cuộc đời.
Tùng chỉ là một trong số 15 học viên cai nghiện đang theo học lớp Bốn do thầy Vũ Hữu Nhân phụ trách. Mà lớp thầy Nhân buồn cười lắm! Lớp có bao nhiêu học viên thì có bấy nhiêu độ tuổi, bấy nhiêu “thiên tình sử” li kỳ với “nàng tiên nâu”. Kẻ nhà giàu thích “lắc”, người nghèo nghiện heroin, kẻ chán đời thích cảm giác ảo với hàng “cỏ”, hàng “đá”…, thôi thì muôn hình, vạn vẻ. Có anh ngót tuổi 40 đã hai lần chia tay thầy giáo để về nhà, hứa hẹn tu chí làm ăn ra chiều rất mãnh liệt. Nhưng về chưa được bao lâu, “tình cũ” rủ tới, lại khăn gói vào gặp thầy, bẽn lẽn “Về không được bố ơi. Bố biết mà!”. Biết chứ! Cai đấy, về đấy nhưng thôi thì đủ lý do kéo con người ta quay về đường cũ. Này vợ ngoại tình, này người yêu bỏ, này bạn rủ rê, hàng xóm xa lánh… nhưng cơ bản vẫn là vì họ chẳng có việc làm. Chẳng mấy doanh nghiệp dám đứng ra nhận những người từng vạ vật từ chốn lầm lỡ trở về. Thế là thất nghiệp, lại chán đời, lại quay về trung tâm gặp bạn, gặp thầy! Cũng bởi sự đời là vậy, nên cái chuyện học hành với nhiều học viên cũng chỉ là cách để giết thời gian cho qua ngày, đoạn tháng.
Có ngồi học với các học viên, chứng kiến cảnh lớp học nháo nhác, kẻ chống gối, người gác chân lúc chép chính tả mới thấu hết cái dạy dỗ nơi đây vất vả đến nhường nào. Đang chép, bỗng một anh vỗ đùi cái đét rồi than thở “buồn đời quá bố ơi!”. Anh kia ngáp ngắn ngáp dài rồi nằm bẹp trên bàn ra chiều mệt mỏi. Một anh khác chỉ chực thầy quay lên bảng liền quay xuống ra chiều thân mật “nhà tui ở Ngã Ba Giồng đó, biết không?” rồi “mượn” luôn cây bút của khách làm… kỷ niệm. Cũng chẳng trách được, với những giáo viên nơi này, dạy cho các em biết mặt chữ, tính toán và đặc biệt là thấu hiểu sự đời, cách sống, tu chí làm ăn đã là thành công lắm rồi.
Ở lớp dạy nghề của thầy Phan Sinh, chuyện học viên lẩm bẩm, tự “diễn thuyết” rồi ra vào lớp học như một “chính khách” cô đơn là… chuyện thường ngày dù đã được học nội quy. Hậu quả của những ngày “đập đá”, những lần “cắn” thuốc thường xuyên khiến những chàng trai, cô gái đang ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời chẳng mấy khi tỉnh táo. Với họ, chỉ riêng chuyện học và hiểu bài trên lớp cũng đủ nhức óc rồi; còn chuyện làm bài tập về nhà chỉ là khái niệm ở tận nơi nảo, nơi nao.
Những người thầy “3 trong 1”

Các học viên lớp Bốn trong giờ học của thầy Vũ Hữu Nhân

Chuyện của trò là vậy. Chuyện của thầy cũng vui hài không kém. Đi học thạc sĩ ngành quản lý công ở nước ngoài về dạy xóa mù, thạc sĩ ngành vật lý đến trung tâm dạy sau xóa mù, nghiên cứu sinh đến trung tâm dạy chuyên đề kỹ năng sống… là chuyện hoàn toàn có thật ở ngôi trường đặc biệt này. Ngay thầy Phan Sinh, từng tốt nghiệp ngành điện - điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng tình nguyện về đây làm giáo viên dạy nghề, dạy kỹ năng sống và nếu cần cũng sẵn sàng “nhảy” xuống dạy lớp xóa mù. Ngày mới đến, chính các thầy dạy xóa mù nơi đây cũng không nghĩ rằng mình lại ở lại lâu đến thế. Thấm thoát mà đã 20 năm, những mái đầu xanh buổi nào nay đã điểm pha màu sương gió. Ai cũng tưởng, để “gõ đầu” được những “đứa trẻ sống lâu năm”, lớn xác, ương lỳ hẳn phải là ông thầy ghê gớm lắm. Nhưng hóa ra không phải! Chẳng một thầy nào nỡ trách mắng học trò dù các em có lười học, nói leo, học trước quên sau, viết 10 sai hết 9. Hơn ai hết, các thầy rất hiểu học viên của mình, khi “các trò” vào đến lớp xóa mù này thì dường như họ đã chẳng còn gì để lưu luyến. Trước khi đến nơi này, không  ít em đã cố tình sử dụng thuốc quá liều, cắt tay rạch chân trong phút hoảng loạn để tìm đến tử thần, giải thoát cho gia đình khỏi cảnh túng quẫn… Số mệnh chưa tận, các em lại được đưa vào đây để được giáo dục, để học cách làm người…
Và để kéo học viên thoát khỏi thực tại bế tắc, các giáo viên, quản giáo đã phải nhọc công nghiên cứu, thay đổi quy trình cắt cơn, dạy nghề, giáo dục chuyên đề bằng những phương pháp tích cực nhất. Nói không quá, một giáo viên non tay nếu về đây dạy có khi phải chào thua vì mọi phương pháp, nghiệp vụ được thực hành trong trường sư phạm dường như chẳng có tác dụng với những đứa học trò nửa tỉnh nửa mê, nửa ương nửa dở này. Vậy mà với thầy Tống Văn Hùng, 20 năm qua vẫn được nhiều học viên ưu ái gọi bằng những danh xưng thể hiện sự kính trọng, gần gũi. Giờ học chuyên đề kỹ năng sống của thầy dù kéo dài 3 giờ đồng hồ vẫn luôn rộn ràng, ấm áp và tràn đầy sự sẻ chia. Còn giờ dạy của thầy Phan Sinh luôn hấp dẫn được học viên không chỉ vì đưa ra những ví dụ sát với thực tiễn, mà còn bởi cách nói chuyện của thầy luôn gần gũi, chân thực. Thầy Vũ Hữu Nhân dù đã quá tuổi nghỉ hưu 5 năm nhưng vẫn  đều đặn lên lớp dạy toán, tiếng Việt, lịch sử, địa lý cho học trò. Những tiết học lịch sử của thầy thường được mở đầu bằng những mẩu chuyện, màn đối đáp về tên đường gắn liền với nhân vật lịch sử. Nhưng để làm được điều đó, mỗi giáo viên nơi đây trước khi bắt đầu công cuộc dạy dỗ học trò đều phải tự mình cùng ăn, cùng ở, cùng trò chuyện với học viên như những người bạn, người thân của chính mình.
Bài, ảnh: Ngọc ANh