Thứ tư, 1/10/2014, 09h10

Cơ cấu nhân lực ngày càng bất hợp lý

Mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 triệu học sinh (HS) tốt nghiệp THCS nhưng có 90-95% vào học THPT, nghĩa là chỉ có khoảng 5-10% vào học các cơ sở dạy nghề hoặc làm lao động giản đơn. Tương tự, hàng năm có gần 1 triệu HS tốt nghiệp THPT và khoảng 80% tham gia thi ĐH, CĐ; chỉ có khoảng 10% đi học nghề, còn lại là tham gia vào thị trường lao động đơn giản hoặc chờ năm sau thi lại. Mặc dù trên thực tế số thí sinh đỗ vào ĐH, CĐ chỉ khoảng 60%, nhưng số không đỗ cũng không vào trường nghề. Qua nhiều khảo sát cho thấy, vào học nghề là lựa chọn cuối cùng của HS trung học sau khi không có cơ hội vào các bậc học khác. Chính bất hợp lý trong phân luồng nên cơ cấu nguồn nhân lực của nước ta ngày càng bất hợp lý về tỷ lệ giữa ĐH - TCCN - công nhân kỹ thuật. Nếu năm 1998, tỷ lệ này là 1-1,68-2,3 thì đến năm 2012, tỷ lệ này giảm ước tính còn 1-0,43-0,56. Trong khi đó, ở các nước công nghiệp tỷ lệ này là 1-4-10, thậm chí ở giai đoạn công nghiệp cơ khí hóa, tỷ lệ là 1-4-0. Ngay cả ở giai đoạn tự động hóa, trong cơ cấu nhân lực vẫn có tỷ lệ đáng kể kỹ thuật viên và công nhân lành nghề với tỷ lệ là 1-6,25-17,5; tức là cứ 1 lao động có trình độ ĐH thì có 6,25 lao động có trình độ TCCN và 17,5 lao động là công nhân kỹ thuật.
Nguyên nhân không thực hiện được phân luồng sau trung học vào học nghề là do nhận thức của người dân và xã hội chưa chuyển biến sâu sắc, cơ chế chính sách, kể cả chính sách GD-ĐT và chính sách sử dụng lao động còn bất cập nên chưa tạo ra lực hút cũng như lực đẩy cho việc phân luồng. Hơn nữa, việc đổi mới phương pháp đào tạo, thi cử, đánh giá kết quả học tập cũng là một trong những vấn đề cấp bách cần làm. Các chính sách tiền lương, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề và các chính sách ưu đãi, tôn vinh khác cũng cần thực hiện để đẩy mạnh phân luồng học sinh vào học nghề.
Ngoài ra, công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông chưa hiệu quả, hạn chế về trình độ, nhận thức của giáo viên trong công tác phân luồng, chưa có đội ngũ công tác hướng nghiệp, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nghèo nàn… là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Vì vậy, tăng cường công tác hướng nghiệp trong nhà trường, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hướng nghiệp cho giáo viên đảm nhiệm công tác này… là rất cần thiết.
PGS.TS Mạc Văn Tiến
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề)