Thứ bảy, 8/1/2011, 17h01

Đầu tư chiều sâu vào dạy nghề

Tập trung vào những ngành trọng điểm, nghề có tính cạnh tranh cao để tạo sự đột phá về chất lượng là điểm mấu chốt của  đào tạo nghề trong thời gian tới.

Cơ khí là một trong những nghề sẽ được tập trung nâng cao chất lượng 
Ảnh: Mỹ Quyên

Theo PGS-TS Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, bắt đầu từ năm 2011, đào tạo nghề sẽ đầu tư theo chiều sâu chứ không dàn trải như trước. “Sẽ chọn ra những ngành nghề có tính cạnh tranh cao, xã hội đang thiếu để tập trung nâng cao chất lượng. Mỗi trường sẽ chọn ra một - hai nghề mũi nhọn để đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Sẽ mời một cơ quan kiểm định nước ngoài tới đánh giá, thẩm định để công nhận chất lượng nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới”, ông Lân cho biết. Khi được các cơ quan kiểm định có uy tín công nhận, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề tại VN sẽ thêm cơ hội gia nhập vào thị trường lao động của khu vực, thế giới.  Những nghề hiện nay có tính cạnh tranh cao và có khả năng được chọn để đầu tư chất lượng là cơ khí, dệt may, hướng dẫn viên du lịch… Ông Lân giải thích do những ngành này đang cần nhiều nhân lực cả trong và ngoài nước nên cần phải được đầu tư.

Cần 800 ngàn nhân lực
Trong Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề từ nay tới năm 2020, Bộ LĐ-TB -XH dự báo, nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của một số ngành mũi nhọn là khoảng 800 ngàn người (trong đó ngành dệt may 530.000, điện lực 151.000, công nghiệp tàu thủy 50.000, lắp máy 15.000...). Theo đó, mỗi năm cần khoảng 60-70 ngàn lao động qua đào tạo, trong đó 80% phải có trình độ từ trung cấp trở lên.
Từ năm 2011 đến năm 2015 sẽ có 13 trường CĐ nghề được chọn để mỗi trường có từ 3 đến 5 nghề được đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.
 Ngoài ra, TS Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, thông tin: “Dự án xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề do Hiệp hội thúc đẩy giáo dục và đào tạo ở nước ngoài (APEFE) thuộc cộng đồng người Bỉ tài trợ với tổng kinh phí 446.000 euro (hơn 11,5 tỉ đồng), đã và đang tiếp tục thực hiện. Riêng đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 có tổng kinh phí 41.000 tỉ đồng. Như vậy, có thể nói đào tạo nghề đang được đầu tư xứng đáng”. Theo ông Minh, từ nay đến 2015, hơn 15.000 giáo viên sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Những giáo viên, giảng viên giỏi sẽ được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài theo chương trình của Chính phủ.
Mỹ Quyên / Thanh Nien