Thứ hai, 26/1/2015, 20h01

Dạy toán tiểu học không dễ

Học sinh lớp 5 đang làm toán. Ảnh: N.TRinh
Trong năm học này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức chuyên đề: “Phát hiện những sai lầm trong việc dạy toán ở tiểu học”. Chuyên đề được triển khai ở Sở GD-ĐT, đến phòng GD-ĐT các quận/huyện và cuối cùng là đến trường.
Ngay khi chuyên đề triển khai ở Sở GD-ĐT, các câu hỏi gợi ý như: “Trong quá trình giảng dạy toán ở tiểu học, các thầy cô thường nhầm lẫn ở mạch kiến thức nào dẫn đến sai lầm? Các thầy cô đã sửa chữa khắc phục ra sao?...” đã làm xôn xao các giáo viên tham dự. Nhiều giáo viên quá tự tin cho rằng, thầy cô giáo thì không thể dạy sai. Ý kiến được nhiều người đồng tình nhất là nếu dạy sai thì bản thân thầy cô ấy không thể biết được. Vậy là ngay trong chuyên đề tổ chức ở Sở GD-ĐT, một số nhóm giáo viên thảo luận đã thay đổi câu hỏi gợi ý hợp lý và nhẹ nhàng hơn như: “Trong quá trình dự giờ, thăm lớp, các thầy cô đã phát hiện những sơ sót nào của các đồng nghiệp trong dạy toán ở tiểu học?”. Chuyên đề đặc biệt này đã “đụng chạm” đến không ít giáo viên nhưng thực sự đó là một chuyên đề hữu ích.
Từ khi triển khai ở Sở GD-ĐT, đến phòng GD-ĐT quận/huyện và trường tiểu học, nhiều sơ sót đã được nêu ra làm khá nhiều giáo viên phải đồng ý là có những sai sót mà nhờ chuyên đề này bản thân họ mới nhận ra.
Sai sót trong dạy toán thường gặp nhất đó là khi giảng bài giáo viên dùng thuật ngữ toán học chưa chính xác. Chẳng hạn, giáo viên thường yêu cầu học sinh như sau: “Đọc các số sau: 73; 132; 13.204 và cho biết số 3 của mỗi số ở hàng nào?”. Yêu cầu của thầy cô đã vô ý không phân biệt giữa số và chữ số, câu hỏi chính xác phải là “cho biết chữ số 3 của mỗi số ở hàng nào?”.
Khi dạy toán tìm thành phần chưa biết (tìm X), lớp có nhiều học sinh chậm yếu, giáo viên thường dạy “mẹo” cho các em là đổi phép tính khi thực hiện. Chẳng hạn như bài X + 3 = 10, thay vì phải dạy học sinh làm theo quy tắc “Muốn tìm số hạng chưa biết, ta lấy tổng trừ đi số hạng đã biết”, có thầy cô đã dạy các em muốn tìm X thì đổi dấu cộng thành dấu trừ rồi chuyển sang bên phải dấu bằng và chuyển số bên trái qua bên phải dấu bằng để có X = 10 - 3. Cách dạy này sẽ để lại dấu ấn khó phai trong học sinh nên khi học đến tìm số trừ, số chia chưa biết, các em lại đổi dấu: Trừ thành cộng, chia thành nhân, vậy là bài toán các em sai hết. Lúc này, giáo viên khó mà sửa chữa cho học sinh được.
Ở phần toán về tỉ số phần trăm, ví dụ như với đề bài: “Tìm tỉ số phần trăm của hai số 25 và 50”, thay vì trình bày là 25 : 50 = 0,5 = 50%, học sinh làm bài như sau: “25 : 50 x 100 = 50%”, một số giáo viên đã chấm đúng. Đây là lỗi sai hết sức nghiêm trọng vì 25 : 50 x 100 = 50 chứ không thể bằng 50%, chỉ khi nào các em ghi là 25 : 50 x 100% = 50% thì chấp nhận là đúng.
Một bài toán đơn giản được đưa ra để giáo viên tìm chỗ sai như sau: “Tính chu vi một hình tam giác có số đo các cạnh là 3cm, 5cm, 9cm” và bài giải là: “Chu vi hình tam giác là: 3 + 5 + 9 = 17 (cm)”, có rất ít giáo viên tìm ra được chỗ sai vì bài toán vẫn giải ra đáp số bình thường. Không ít giáo viên nghĩ đề bài toán đã sai về kiến thức toán học nặng nề vì “trong một tam giác, độ dài một cạnh bao giờ cũng lớn hơn hiệu và nhỏ hơn tổng các độ dài của hai cạnh còn lại”. (Quan hệ giữa ba cạnh của một tam giác. Bất đẳng thức tam giác - toán lớp 7). Trong bài toán này 3 + 5 = 8; 8 < 9 và 9 - 5 = 4 ; 4 > 3 là sai hoàn toàn.
Một bài toán hình học khá quen thuộc: “Trên một tấm bìa hình tròn có đường kính 9dm, người ta cắt một hình chữ nhật có chiều dài 8dm và chiều rộng 6dm. Tính diện tích tấm bìa còn lại sau khi cắt”. Bài toán đã được giải rất bình thường là tìm diện tích hình tròn, diện tích hình tam giác, rồi lấy diện tích hình tròn trừ diện tích tam giác để có đáp số. Thế nhưng trong thực tế, không thể cắt được tấm hình chữ nhật có số đo như thế trên tấm bìa hình tròn có đường kính 9dm như đề bài. Hình chữ nhật không nằm hoàn toàn trong tấm bìa hình tròn.
Chỉ với vài ví dụ vừa nêu cũng đủ thấy việc dạy toán ở tiểu học không dễ như giáo viên thường nghĩ. Vì thế, giáo viên cần hết sức cẩn trọng trong giảng dạy toán ở tiểu học nhất là trong khâu ra bài làm thêm, ra đề kiểm tra của học sinh và khâu chấm - chữa bài.
Lê Phương Trí
Sai sót trong dạy toán thường gặp nhất đó là khi giảng bài giáo viên dùng thuật ngữ toán học chưa chính xác