Thứ sáu, 29/8/2014, 11h08

Đổi mới chương trình - SGK: Gốc tốt, ngọn mới phát triển

Ngày 28-8, Bộ GD-ĐT đã trình lại dự thảo đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông.

GS Hồ Ngọc Đại (trái) - Ảnh: V.Dũng và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: N.Khánh

Báo cáo này được soạn sau khi bổ sung theo góp ý tại hội nghị tham vấn chuyên gia do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Tham dự cuộc trình dự thảo lần này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục lên tiếng và đưa ra những ý kiến đóng góp sắc sảo.
Tiểu học nên 6 năm
"Tôi đề nghị hoãn ra nghị quyết về đổi mới chương trình - SGK, vì việc này chưa chín. Nhiều ý kiến, đề xuất còn viển vông, xa rời thực tiễn... Chúng ta không thể lấy tư tưởng của người lớn để áp đặt cho đứa trẻ mà không tính đến khả năng tiếp nhận những điều mà đứa trẻ thật sự cần. Khi ta bàn về xây dựng chương trình - SGK áp dụng cho thời đại hiện nay thì phải hiểu cái ta sẽ xây dựng phải nhằm phục vụ cho đứa trẻ của thời đại này"
GS Hồ Ngọc Đại
Dù tại cuộc họp của Ủy ban đổi mới giáo dục quốc gia ngày 26-8 đã thống nhất giữ nguyên số năm học như hiện tại, nhưng việc xác định số năm giáo dục cơ bản vẫn là một trong những nội dung chính được GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đặt vấn đề thảo luận.
“Nếu giáo dục cơ bản xác định là 10 năm thì phải dành cho giáo dục tiểu học sáu năm. Sáu năm đó phải được ưu tiên tuyệt đối” - GS Hồ Ngọc Đại, giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ giáo dục, bày tỏ quan điểm.
Theo GS Đại, khi 100% trẻ bắt buộc phải học tiểu học để có những tri thức, kỹ năng tối thiểu bước vào cuộc sống thì giáo dục ở bậc học này là “sự sống của đứa trẻ”. Đầu tư cho cái “gốc” có tốt thì mới tạo cơ hội cho phần ngọn phát triển.
GS Nguyễn Đình Hương - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ thêm: “Ở các nước khác, giáo dục tiểu học được ưu tiên những điều kiện tốt nhất. Thái Lan tuyển giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ thạc sĩ. Trong khi ở nước ta, những gì yếu nhất lại được dồn cho tiểu học. Đây là nghịch lý cần được thay đổi từ nhận thức”.
Nhiều ý kiến đồng tình với việc xác định chương trình giáo dục cơ bản là 10 năm. Nhưng PGS Văn Như Cương cho rằng ở bậc THPT cần có ít nhất hai chương trình, một chương trình cho học sinh đạt điều kiện nhất định, được định hướng thi vào các trường đại học; một chương trình cho học sinh đi theo hướng học nghề. “Để gần như 100% học sinh tốt nghiệp THPT dự thi vào đại học như hiện nay là thất bại đau xót của giáo dục phổ thông, của công tác phân luồng” - PGS Cương phát biểu.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục, lại cho rằng điều kiện VN khó có thể đưa ra quy định phân luồng cứng, chỉ nên tạo ra những mô hình trường khác nhau cho người học lựa chọn.
“Mọi sự bàn luận trên cơ sở lý thuyết không hay bằng việc tổng kết, rút ra bài học từ chính những mô hình giáo dục thực tế, ví như mô hình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại trong việc “chống lại làn sóng bỏ học của học sinh vùng khó”, hay mô hình Trường thanh niên lao động ở Hòa Bình, Trường phổ thông Bắc Lý (Hà Nam) trước đây” - PGS Bảo nói.
Nhiều bộ SGK, ai được quyền chọn?
"Quan điểm của chúng tôi là nhất định phải làm, phải vượt qua khó khăn để thực hiện, chứ không phải vì khó khăn mà không làm. Từ việc xây dựng chương trình - SGK, sẽ có những điều chỉnh, thay đổi trong việc đào tạo giáo viên, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và những điều kiện thực hiện khác... Có những việc chương trình hiện tại chưa thể giải quyết được hết, phải chờ chương trình lần sau, nhưng vẫn cần phải đặt ra để có lộ trình thực hiện"
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Hầu hết các chuyên gia ủng hộ việc có “một chương trình, nhiều bộ SGK” nhưng lại trái ngược nhau về quan điểm trong cách làm.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - phản đối phương án áp dụng đồng loạt chương trình - SGK mới từ lớp 1-12.
“Tôi không nghĩ việc xây một ngôi nhà ba tầng mà cùng lúc có thể làm ngay cả ba tầng đó. Việc biên soạn SGK cũng vậy. Việc làm đồng loạt ở các cấp học cần tính toán đến tính khả thi, đến lực lượng tham gia, chất lượng biên soạn và kiểm soát ở khâu thực hiện. Đây là khối lượng công việc rất lớn, không phải chuyện đơn giản” - GS Thuyết lo ngại.
Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương lại cho rằng hoàn toàn có thể làm ngay được. Hoặc làm đồng loạt tất cả các lớp, hoặc đồng loạt từ lớp 1-9, còn lớp 10-12 thì làm theo phương pháp cuốn chiếu.
“Với cách này, Bộ GD-ĐT cần làm việc với các tác giả biên soạn để xây dựng các tài liệu bổ sung phần kiến thức, kỹ năng bị “vênh” giữa chương trình cũ với chương trình mới” - PGS Cương nói.
PGS Văn Như Cương cũng bày tỏ: “Giao việc viết SGK hoàn toàn cho các tổ chức, cá nhân, bộ chỉ xây dựng chương trình là phương án có nhiều rủi ro. Bộ GD-ĐT cần có một bộ SGK chuẩn. Sau đó các tổ chức, cá nhân có thể tham gia viết các bộ SGK khác”.
Nhưng GS Nguyễn Khắc Phi lại phản đối quyết liệt việc “Bộ GD-ĐT vẫn biên soạn SGK mẫu” vì việc bộ vẫn tham gia biên soạn SGK vừa không đúng chức năng, vừa khiến các tổ chức, cá nhân khác có tư tưởng ỷ lại. Việc phân biệt giữa con đẻ (sách mẫu) và con nuôi (sách của các tổ chức, cá nhân) cũng là một cản trở.
GS Thuyết đề nghị Bộ GD-ĐT cần “giữ quyền” biên soạn các cuốn SGK thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, còn SGK các môn khoa học tự nhiên thì nên xã hội hóa, thậm chí có thể thẩm định, duyệt các cuốn SGK dịch của quốc gia khác.
“Hành lang pháp lý” cho việc có một chương trình, nhiều bộ SGK cũng là điều mà nhiều chuyên gia băn khoăn “Nhiều bộ SGK thì quyền chọn sách thuộc về ai? Cấp sở, cấp quận, huyện hay cấp trường, thầy cô giáo có quyền chọn? Việc chọn SGK cần có những quy định gì để đảm bảo không xảy ra tiêu cực?” - GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, bày tỏ.
Lo ngại giáo viên không đáp ứng yêu cầu
Tiếp câu chuyện về “điều kiện đảm bảo tính khả thi” trong triển khai chương trình - SGK mới, TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chia sẻ: “Khi đổi mới chương trình - SGK năm 2000, hàng loạt trường phổ thông kêu tỉ lệ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình - SGK mới rất ít. Nhưng từ đó tới nay, các trường sư phạm vẫn không có sự thay đổi nhiều, vẫn dạy lý thuyết chủ yếu, thực hành hạn chế, bộ môn tâm lý giáo dục là môn phụ và ngày càng bị co lại. Đây là những bất cập đi ngược với yêu cầu đổi mới bây giờ”.
Còn GS Hồ Ngọc Đại nói thẳng: “Hiện nay, tôi thấy các lĩnh vực khác đều thay đổi đến chóng mặt, nhưng riêng có một nghề ở VN thì không hề thay đổi, đó là nghề sư phạm. Những người làm nghề sư phạm vẫn giữ nguyên những thứ lạc hậu, cả về nguyên tắc lý thuyết và thực tiễn”.
Còn GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Tôi nghĩ Quốc hội sẽ không thể quyết định ra nghị quyết về việc này nếu điều kiện đảm bảo tính khả thi không rõ ràng, thuyết phục”.
VĨNH HÀ (TTO)