Thứ hai, 1/9/2014, 19h09

Đôi vợ chồng khiếm thị và tấm bằng thạc sĩ

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Câu ca các cụ thường nói đến tầm quan trọng của đôi mắt đối với mỗi con người. Vậy mà ánh sáng đã không đến với anh chị. Nhưng bù lại, anh chị đã có trái tim và nghị lực dẫn đường. Vươn lên trên nghiệt ngã của số phận, họ đã đến với nhau và cùng nhau có được tấm bằng thạc sĩ của Học viện Hành chính quốc gia.
Bóng tối
Anh chính là Phạm Xuân Trường, quê ở Thanh Oai, Hà Nội. Do di chứng chất độc da cam từ người cha - ông Phạm Xuân Sang từng chiến đấu ở đường 9 Nam Lào - 5 anh chị em anh đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong đó 3 người đôi mắt gần như không nhìn thấy gì nữa. Năm lên 3 tuổi, cậu bé Trường dắt bà nội đi chơi, nhưng lại toàn dắt ra… bờ ao, bụi cây, nghi ngờ nên bố mẹ đưa đi khám. Bác sĩ kết luận một mắt Trường mù hoàn toàn, một mắt thị lực chỉ còn 1/10, nếu không đi học thì may mắn có thể giữ lại phần thị lực này. Cùng cảnh ngộ mù với chồng, chị Đinh Việt Anh (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị thoái hóa võng mạc từ năm lên 3 tuổi. Sau một trận sốt cao, một mắt không còn nhìn thấy gì, mắt còn lại mờ dần rồi cũng mất luôn thị lực. Nhà nghèo, thương con bố mẹ chị Việt Anh gom góp nuôi đàn lợn bán lấy tiền đưa con đi chữa trị, cứ mỗi dịp hè lại ra Viện Mắt Trung ương chữa nhưng không khỏi. Hồi học tiểu học, đôi mắt Việt Anh chỉ nhìn thấy lờ mờ, nhưng thương con ham học, mẹ vẫn xin cô giáo cho Việt Anh tới lớp nghe giảng bài. Cuối cùng, mọi nỗ lực cứu con mắt còn lại của Việt Anh cũng không thành, dù năm lớp 9 cô bé đã được ghép giác mạc. Thế là Việt Anh phải dừng học cấp 3, ở nhà làm quen với bóng tối chật chội. Nhưng rồi quá nhớ trường lớp, Việt Anh lại xin bố mẹ cho đi học. Suốt những năm phổ thông, cô phải học bài nhờ vào sự trợ giúp của bố mẹ, hàng ngày bố mẹ đi làm về, tối đến đọc lại bài cho Việt Anh, ấy vậy mà lúc nào cô bé cũng đứng đầu lớp, có lần còn suýt được đi thi học sinh giỏi tỉnh.
Tấm bằng lấy từ máu và nước mắt
Nhà có tới 3 đứa trẻ, Trường, Sơn, Hồng đều bị mù còn bố mẹ chỉ có vài sào ruộng. Nếu bảo cố gắng học tập thì còn được chứ bảo phụ bố mẹ kiếm tiền đi học thật khó. Tốt nghiệp THPT, Trường tìm hiểu các trường ĐH, CĐ nhưng chẳng có trường nào nhận người mù vào học, buồn chán Trường vào TP.HCM vừa kiếm sống vừa tìm cơ hội. 3 năm ở miền đất xa xôi với đôi mắt gần như không nhìn thấy gì và đủ các nghề như cạo bếp lò, đóng than tổ ong, dán dép cao su, gói mì tôm… nhưng anh vẫn chưa tìm được cơ hội học. Thương con, bố mẹ phải tìm đủ mọi cách để “lừa” anh về quê, và anh đã quyết định thi vào Trường CĐ Sư phạm Hà Tây. Những tưởng cơ hội học tập đã mở ra trước mắt, nhưng nhập học chưa được bao lâu thì Ban giám hiệu gọi lên nói nhà trường không có điều kiện giảng dạy cho người mù. Phải mất nhiều lần “tranh đấu”, với lòng quyết tâm của mình anh mới được trở lại giảng đường.  Đến năm 2000 thì mắt anh kém hẳn, gần như không nhìn được chữ nữa, anh phải dùng bút dạ viết lên giấy tối màu trong những bài thi. Dù vậy, bằng đủ mọi cách, với lòng quyết tâm của mình, năm 2001, anh đã lấy được tấm bằng tốt nghiệp CĐ Sư phạm Hà Tây, sau đó anh tiếp tục học và tốt nghiệp ĐH Khoa học Huế (2005). Nhưng để có tấm bằng cử nhân, anh em Trường đã phải bán đi những giọt máu quý giá của mình để có tiền ăn học. Anh Trường vẫn còn nhớ  hôm đó vừa tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương bán máu thì Trường ngớ người khi lờ mờ nhìn thấy cái dáng quen thuộc của người em là Sơn cũng vừa bán máu xong trở ra. Về sau, họ mới biết cô em gái Hồng ở nhà cũng lẳng lặng ra Bệnh viện Hà Tây bán máu lấy tiền đi học. Thế nên, khi cầm tấm bằng cử nhân của anh Trường trên tay, mẹ anh, bà Nguyễn Thị Lợi, rưng rưng: “Tấm bằng này con đã đổi bằng máu và nước mắt”.
Cổ tích viết lên từ… bóng tối
Với vẻ ngoài đĩnh đạc, cởi mở và nhanh nhẹn, bạn sẽ bất ngờ bởi anh là một người mù. Anh pha trà, đưa tận tay tôi tách trà nóng. Dễ hiểu vì sao, anh nói vợ chồng anh tự tay nuôi con mọn với đủ thứ cầu kì pha sữa, cho bé ăn dặm, ăn bột, ăn cháo mà không bao giờ bị sặc hay cho nhầm vào… mũi. Và những tháng ngày bận mọn đó, anh chị không nghỉ một buổi học nào ở lớp cao học…
Còn nhớ 5 năm trước, đám cưới thầy Phạm Xuân Trường, lúc đó là giáo viên Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù và chị Đinh Việt Anh - Phó chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh - được tổ chức tại Hà Nội. Mọi người chúc mừng hạnh phúc, song, cũng ái ngại, lo cho cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ mù. Anh kể, cả hai vợ chồng đều ham học, ham làm nên tới tận ngày sinh nở, hai vợ chồng vẫn cố hoàn thành nốt công việc rồi mới bình tĩnh đi tới bệnh viện. Lúc đó, anh chỉ kịp gọi cho cô em gái sáng mắt tới. Nhưng trong lúc xoay xở, anh không biết vợ mình đang nằm ở khu vực nào để đợi sinh. Anh chỉ biết đứng ngoài chờ đợi trong lo âu. Còn chị Việt Anh khi vào phòng đợi cũng chỉ biết xung quanh mình đầy tiếng kêu khóc của các bà bầu và bản thân chị cũng chỉ biết cắn chặt răng cho đỡ đau mà thôi… Thế rồi, niềm vui vỡ òa khi anh được bồng bé Hà Anh đầu tiên khi bé cất tiếng khóc chào đời. Anh nói, cũng may là cô bé rất ngoan và “hiểu chuyện”. Ngay từ nhỏ, bé đã biết tự lập, bố mẹ thì mải học hành, công việc vì thế bé có ốm cũng nằm ngoan ngoãn ở nhà. Nhưng khi con gái được 1 tuổi, với sự ham học của mình, anh chị đã quyết định đăng ký và thi đỗ vào Học viện Hành chính quốc gia, chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý công. Anh chị là những người mù Việt Nam đầu tiên học chương trình thạc sĩ ở Học viện Hành chính quốc gia. Học viện cách nhà 6km, để tiết kiệm, anh chị chỉ nhờ một xe ôm đưa đi, đón về. Gần 3 năm, tối thứ sáu, ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, anh chị đều đặn tới lớp. Và cũng không thể kể hết những lần anh chị “sứt đầu, mẻ trán” vì lên lớp vội vàng sau giờ tan tầm. Nhưng về sau, họ cũng được mọi người chú ý giúp đỡ nhiều hơn. Xe ôm được tạo điều kiện chạy thẳng tới tận cửa lớp. Bạn bè hay thầy cô thấy họ loay hoay đều dắt họ lên lớp… an toàn. Để tiếp thu bài giảng, Trường - Anh đã rèn luyện thuần thục kỹ năng viết tắt chữ nổi và sử dụng máy tính. Mười đầu ngón tay của cả hai vợ chồng đều lướt trên bàn phím máy tính rất nhanh và chính xác. Họ phân công nhau: Hôm nay vợ dùng máy tính ghi bài, thì chồng dùng tay ghi bằng chữ nổi; ngày mai chồng dùng máy tính ghi bài, thì vợ lại dùng tay ghi bằng chữ nổi. Về nhà, nhờ phần mềm đọc màn hình, đọc lại bài trên máy tính và dùng tay sờ đọc lại bài bằng chữ nổi, anh chị đối chiếu và hoàn chỉnh bài học. Nhiều đêm, cơm nước xong, ru con ngủ, anh, chị mang bài ra học, nghiên cứu, trao đổi đến 1-2 giờ sáng. Khi nhận đề tài viết luận văn tốt nghiệp thì mỗi người thu thập tài liệu, số liệu riêng, góp ý cho nhau và sửa chữa theo hướng dẫn của thầy cô qua internet. Luận văn của Trường là Quản lý Nhà nước về việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay. Luận văn của Việt Anh là Quản lý Nhà nước về giáo dục cho người khiếm thị ở Việt Nam hiện nay. Cả hai luận văn đều được Hội đồng khoa học của học viện nhận xét tốt và đạt điểm gần tuyệt đối, có giá trị thực tiễn, có ý nghĩa nhân văn...
Anh nói, những khó khăn lớn nhất đã qua rồi. Tới đây, anh chị tiếp tục thu xếp để làm nghiên cứu sinh…
Nghiêm Huê