Thứ sáu, 16/3/2012, 15h03

“Du lịch” qua từng bài học

Trước khi bước vào tiết học, các em HS được “đi du lịch” một vòng đất nước New Zealand

Từ nội dung 9 bài học trong sách Vui học cùng kỳ thi Staters 2, đội ngũ chuyên viên và giáo viên (GV) bộ môn tiếng Anh của Phòng GD-ĐT Tân Bình đã chuyển thể sang các thước phim dưới dạng hình ảnh văn hóa của từng đất nước.
Qua đó, các học sinh (HS) có cơ hội “du lịch”, trải nghiệm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở bộ môn tiếng Anh tăng cường (TATC) qua việc khám phá tìm hiểu nét đẹp văn hóa của các nước này và tự tin hơn khi bước vào kỳ thi Staters.
“Du lịch” bốn phương
Cuộc “du lịch” đầu tiên sẽ đưa các em HS tham quan chính trên quê hương Việt Nam, do thầy Phạm Trí Thiện - GV Trường TH Lê Văn Sĩ - chuyển thể từ bài Welcom to Vietnam! Tại đất nước quê nhà, thầy Thiện tập trung giới thiệu hình ảnh áo dài, chiếc nón lá với nét đẹp văn hóa truyền thống và hiện đại để các em cùng chiêm ngưỡng. Hình ảnh ấy thể hiện cho nét đẹp người phụ nữ nói riêng, quê hương Việt Nam nói chung. Ngoài ra bài giảng còn giới thiệu đến các “khách du lịch nhí” về văn hóa, vẻ đẹp của từng vùng miền đất nước.
Rời khỏi quê hương Việt Nam, các em HS tiếp tục “du lịch” sang đất nước của xứ sở hoa anh đào là Nhật Bản. Cô Nguyễn Ngọc Hân - GV Trường TH Tân Sơn Nhất - đã giới thiệu đến các em vẻ đẹp ngôi nhà truyền thống làm bằng nguyên vật liệu gỗ và giấy. Theo đó người Nhật Bản không dùng giường để ngủ mà dùng nền nhà… làm giường ngủ hoặc nơi tiếp khách. Tất cả câu chuyện được nhân vật chủ nhà Nobita dẫn dắt - đây là nhân vật trong truyện tranh Đôrêmon mà các em vốn rất yêu thích.
Đến với mỗi bài là các em được đến với một vùng đất mới. Từ Việt Nam, Nhật Bản, New Zealand, Ai Cập, Úc, Brazil, Tây Ban Nha, Anh quốc và cuối cùng là nước Mỹ. Mỗi đất nước là một vẻ đẹp về con người, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, hiện đại. Khi trình chiếu đến đâu, các em không ngớt bày tỏ sự ngạc nhiên. Sau mỗi cuộc hành trình, các em còn học được những bài học thiết thực như đến Nhật Bản thì các em biết cách để giày dép khi bước vào nhà sao cho đúng chỗ, đúng phép lịch sự; đến với đất nước New Zealand, các em học được sự siêng năng, chăm chỉ, rèn luyện một công việc nào đó sẽ mang đến thành công và hạnh phúc thông qua hình ảnh chú chim Kiwi cố gắng tập bay mặc dù không có cánh.
Dường như mỗi tiết học trôi qua là một bầu không khí sôi nổi, hào hứng của cả thầy và trò. Thầy Phạm Trí Thiện chia sẻ: “Cái hay thu hút các em là ở chỗ, mọi hình ảnh đều thật, đẹp, mới lạ, sinh động. HS có được tiết học ngôn ngữ qua nét đẹp văn hóa, còn GV dạy ngôn ngữ bằng hình ảnh văn hóa vùng miền”.
Phương pháp dạy - học hiệu quả
Đối với chương trình TATC tiểu học, HS học hết lớp 2 phải trải qua kỳ thi Staters; học hết lớp 4, các em thi kỳ thi Mover; học hết lớp 5, các em thi trình độ Flyer. Sách Vui học cùng kỳ thi Staters 2 được Sở GD-ĐT TP.HCM đưa vào chương trình TATC lớp 2 (năm học 2011-2012) nhằm hỗ trợ việc học TATC, đáp ứng việc vừa học vừa chơi  cũng như giúp các em làm quen với hình ảnh các nước để tránh sự lạ lẫm khi bước vào kỳ thi Staters.
Sách Vui học cùng kỳ thi Staters 2 gồm 9 bài học, mỗi bài là một đất nước. Theo đó, để bài học sinh động, hấp dẫn, các chuyên viên và GV đã chú trọng vào phần đọc hiểu (Reading), chuyển thể sang kênh hình. Tất cả các thước phim chỉ gói gọn trong 10 phút. Mọi tư liệu về con người, thiên nhiên, văn hóa của từng đất nước được GV tìm kiếm, sưu tầm, lồng ghép, xây dựng thành những đoạn video và trình chiếu trước khi cho HS đi vào từng phần kỹ năng. Sau khi đưa các em “du lịch” qua từng nước, GV đưa ra các câu hỏi, các trò chơi ghép chữ, nối chữ với một hình ảnh… để kiểm tra, củng cố kiến thức nắm bài của các em.
Bà Ngô Hà Quỳnh Trâm - chuyên viên bộ môn tiếng Anh (Phòng GD-ĐT Tân Bình) - cho biết: “Phần đọc hiểu được xây dựng phim bởi lẽ phần này bao quát nội dung toàn bài học. Tìm hiểu qua về đặc điểm văn hóa của từng đất nước giúp các em bước vào các phần khác một cách dễ dàng hơn. Hơn hết các em còn được học các kiến thức về văn hóa, xã hội, rèn thêm những kỹ năng sống cho bản thân. Từ đây, hiệu quả tiết dạy cao hơn”. Trong quá trình làm, các chuyên viên và GV bộ môn đã gặp không ít khó khăn như tìm kiếm tư liệu, chắt lọc hình ảnh, xây dựng phim… Việc chuyển thể nội dung bài học từ kênh chữ sang kênh hình này được các đồng nghiệp đánh giá rất cao. Bởi lẽ, chính hình ảnh thật, đặc trưng của từng vùng miền tác động tích cực đến tư duy, tạo ra dấu ấn riêng cũng như khả năng tiếp thu bài của các em cao hơn. Cụ thể, các em sẽ khó biết đến các kim tự tháp của đất nước Ai Cập, hay đất nước Ai Cập nổi tiếng với sông Nile, truyền thống ướp xác người… Qua tiết học, các em biết đến những điều kỳ bí, linh thiêng này.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Mỗi một đoạn phim có những mục đích khác nhau. Có bài thì chú trọng giới thiệu văn hóa, có bài chú trọng vào phần đọc, có bài chú trọng vào tìm từ khóa… Tất cả đều được xây dựng trên các hình ảnh đặc trưng của từng đất nước. Đây là phương pháp dạy - học hiệu quả cần được triển khai rộng rãi...”, cô Nguyễn Hồ Thụy Anh - chuyên viên tiếng Anh tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) - đánh giá.