Thứ hai, 28/7/2014, 11h07

Giáo dục phổ thông Việt Nam: 12 năm hay 11 năm?: Thời gian không quan trọng

Theo tôi, chương trình dạy phổ thông trong thời gian 11 năm hay 12 năm không quan trọng. Điều quan trọng hơn là làm sao chương trình học phù hợp với thời đại và đừng nặng về kiến thức sách vở. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Cần dạy những gì gần gũi với thực tế và giúp học sinh có kỹ năng sống hơn?
Càng nặng kiến thức sách vở thì sẽ kéo theo hệ lụy quá tải và không tránh khỏi lãng phí. Lãng phí 12 năm học vì học sinh nghèo về vốn sống thực tế. Nếu chương trình dạy và học đổi mới hiệu quả thì sẽ tránh xa “vết xe đổ” của sự lãng phí. Nếu “co” thành 11 năm mà tất cả vẫn như xưa không đổi mới gì thì cũng lãng phí đấy thôi. Vấn đề không phải nằm ở độ dài thời gian mà ở độ sâu kiến thức và chính là “cần thay đổi tư duy”, cần tránh lối học vẹt theo kiểu từ chương. Nhiều học sinh tối ngày chỉ biết chúi mũi vào sách học và học, kết quả đạt loại giỏi nhưng không biết làm những việc trong gia đình (mở rộng ra thì còn nhiều thứ ngoài xã hội nữa) thì học giỏi để làm gì?
Mỗi thời kì, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau nên thời gian và chương trình học đều phải khác nhau. So sánh như vậy không hoàn toàn phù hợp. Điều quan trọng hơn là học ít hiểu nhiều. Học ít vẫn giỏi và làm được nhiều việc trong một ngày, một tuần chứ không chỉ học và học mà thiếu hành.
Còn về khâu biên soạn sách, theo tôi nên dành công việc này cho đội ngũ giáo viên uy tín (ở 3 cấp học). Tốt hơn nữa, những giáo viên ấy ở những vùng miền khác nhau thì phù hợp hơn, bởi những người đó hiểu thực tế giảng dạy, không phải là “những người từ trên cao” thiếu thực tế nên áp đặt.
Từ nội dung đến hình thức cần phải thay đổi. Chẳng hạn ở môn ngữ văn nên đưa các tác phẩm văn học hiện đại, nhất là những tác phẩm gần đây phù hợp với thời đại mang hơi thở cuộc sống. Những tác phẩm văn học trung đại hay văn học dân gian cần chọn lọc để đưa những tác phẩm thật tiêu biểu… Còn môn lịch sử cũng phải thay đổi chương trình phù hợp với thời đại hơn. Và để học sinh yêu môn lịch sử, nên “làm mới” cách ra đề thi và giới hạn nội dung. Cần có những câu hỏi để các em thể hiện suy nghĩ và cảm nhận của mình - thế hệ trẻ. Đừng đặt quá nhiều câu hỏi tái hiện kiến thức mà ưu tiên những câu hỏi trình bày nhận thức, đánh giá vấn đề.
Hoàng Thái Hùng (Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)