Thứ hai, 26/12/2011, 16h12

Hóa giải những bài đạo đức khô khan

Giáo viên tiểu học khéo léo sử dụng những kỹ thuật dạy sinh động như sắm vai, thảo luận, kể chuyện… giúp học sinh hứng thú với môn đạo đức.
Hiện nay thay cho việc ghi bài và giảng giải nội dung các bài học đạo đức, các cô giáo có nhiều cách dẫn dắt bài học rất linh hoạt, giúp các em dễ hiểu, dễ áp dụng.
Trong bài học Tiết kiệm thời gian, các bé học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp đã có phần thảo luận khá thú vị. Các em chia thành các nhóm, tự đặt tên cho nhóm mình và nêu ý nghĩa của một bức tranh. “Câu giờ là tên nhóm em đặt cho bức tranh vì trong đó có hình cậu bé câu được một chiếc đồng hồ. Tên này có ý nghĩa là thời gian quý hơn vàng bạc, chúng ta không nên kéo dài thời gian một cách lãng phí” -một học sinh cho biết. Tiếp đó, cô giáo còn cho các em tự lập thời gian biểu hằng ngày của mình và đọc lên cho các bạn nghe. Một số em đọc xong và được các bạn nhận xét: “Bạn này ăn tối từ 6 giờ đến 7 giờ rưỡi tối là lâu quá, vừa không tốt vừa phí thời gian”; “thời gian biểu của bạn này không có thời gian giải trí sẽ không tốt cho sức khỏe”… Cuối cùng, cô giáo kết luận: “Các con phải biết sắp xếp việc học và các hoạt động khác hợp lý, đạt hiệu quả nhất mà không lãng phí!”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy hướng dẫn các em học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp) thảo luận nhóm trong một tiết thực hành môn đạo đức. Ảnh: PHẠM ANH
Với bài Trật tự trong trường học, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Chính Nghĩa, quận 5 được cô giáo Trần Thị Hương cho xem, thảo luận về hai tấm ảnh. Trong ảnh một, học sinh xếp hàng ngay ngắn ra về, ảnh thứ hai là cảnh học sinh nói cười và xô đẩy nhau. Sau khi hội ý, có nhóm chọn ảnh một vì các bạn trật tự, không gây ồn ào. Cũng có nhóm chọn ảnh hai vì các bạn được nói chuyện vui vẻ khi ra về. Đợi các bé thảo luận xong, cô giáo giải thích: “Các con không nên làm theo ảnh thứ hai vì xô đẩy và gây ồn ào như thế sẽ bị mọi người cười chê, gây mất trật tự nơi công cộng. Không những thế, các con sẽ làm bạn mình té ngã rất đau và không đi học được”.
“Dung dăng dung dẻ/ Bọn trẻ học về/ Đi đúng vỉa hè/ Đi theo hàng một/ Không chơi dại dột/ Đùa nghịch trên đường…. Mũ bảo hiểm đây/ Bạn đội vào ngay/… Nhắc nhở nhau đi/ An toàn đúng luật”. Bài đồng dao này được hát bởi một nhóm học sinh trong trang phục thể dục với mũ bảo hiểm trên đầu. Tiết mục này đã gây ấn tượng lớn cho đông đảo học sinh và giáo viên trong một buổi chào cờ đầu tuần gần đây tại Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5. Phần lời do chính học sinh lớp 5 sáng tác và biểu diễn cho chuyên đề giáo dục an toàn giao thông.
Dựa vào nội dung bài học môn đạo đức, nhà trường sẽ chia đều chủ đề cho 30 lớp thể hiện trong 30 tuần học trong năm. Các em sẽ tự chuẩn bị và thể hiện nội dung bài học bằng nhiều hình thức như diễn kịch, phỏng vấn, kể chuyện gương tốt… trong khoảng 30 phút đầu tuần sau giờ chào cờ.
Cô NGUYỄN THỊ KIM ÂN,
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Bình Trọng
Với phương pháp dạy học theo góc, môn học trở nên sinh động và học sinh cũng thích thú hơn. Giáo viên đưa ra nhiều chủ đề để các em thảo luận nhóm như nhận xét một đoạn phim ngắn, nêu ý nghĩa một câu ca dao tục ngữ, ghép tranh… Mỗi chủ đề được đặt tại một góc, các nhóm sẽ lần lượt đến từng góc để thảo luận và đưa ra câu trả lời của nhóm mình. Khi hoàn thành tất cả chủ đề, các nhóm sẽ trình bày trước lớp để các bạn nhận xét, giáo viên góp ý và đúc kết bài học cho các em. Tùy theo nội dung từng bài, giáo viên còn sử dụng nhiều phương pháp khác như sắm vai, kể chuyện, nhóm…
Cô NGUYỄN THỊ THANH THÚY,
giáo viên Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp
PHẠM ANH
Theo Pháp luật