Thứ năm, 10/11/2011, 16h11

Hoạn thư vào trận đánh ghen: Màn I: “Hai bên giáp mặt chiền chiền”

Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê, Thúc sinh đã về với Hoạn thư. Trước hết là cuộc đón tiếp nồng nàn tình nghĩa. Hoạn thư đã đón Thúc khi chàng chưa bước vào cửa nhà: Tiểu thư đón cửa dã dề. Cụ Đào Duy Anh có chú: dã dề là “đon đả hỏi thăm vui vẻ”. Hoạn thư và Thúc sinh đã nói với nhau bao chuyện, chuyện gần, chuyện xa, lúc ấm lúc lạnh (hàn huyên). Và, ngay sau đấy là một chi tiết đáng chú ý: Nhà hương cao cuốn bức là, hương là mùi thơm, nhà hương là phòng khách thơm tho. Bức màn bằng lụa (lụa, là) được cuốn cao. Cuốn màn cao để phòng khách mát mẻ hay để mọi việc được tỏ tường, được bày tỏ rõ ràng? Vị tổng chỉ huy trận đánh đã vào trận. Màn vừa cuốn lên đã có lời truyền gọi Thúy Kiều ra lạy mừng.
Đây là tâm trạng của hai vợ chồng Thúy Kiều, Thúc sinh. Thúy Kiều từ xa đã trông thấy Thúc sinh, nàng đi từng bước một để nhìn rõ hơn: Phải rằng nắng quáng đèn lòa/ Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc sinh!
Một sự gặp gỡ bất ngờ nhưng mọi việc đã phơi bày tất cả: Bây giờ tình mới tỏ tình, hai chữ tình (tức tình hình) ở hai vị trí: tình thứ nhất là của Thúy Kiều. Tình cảnh ta lâu nay vẫn chưa hiểu vì sao Kiều lại đi làm con ở? Ở cho người nào? Chữ tình thứ hai là tình hình là cơ sự ghen tuông của Hoạn.
Cụ Nguyễn đã để cho Thúy Kiều nghĩ về Hoạn liên tục trong sáu dòng thơ: Chước đâu có chước lạ đời/ Người đâu mà lại có người tinh ma/ Rõ ràng thật lứa đôi ta/ Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi/ Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao!
Mưu mẹo, kế sách (chước) của Hoạn “quái ác như con tinh con ma” (Đào Duy Anh). Tinh ma ở chỗ không chỉ tách hai người ở hai nơi cách biệt mà còn đưa thân phận họ về một mối chúa nhà, con ở. Nói cách khác, Hoạn cho kẻ thù lâm vào thế hoàn toàn bị động, không lối thoát. Cái con người mà như ngày xưa đã nói sát nhân vô đao kiếm (giết người không có dao kiếm). Không vũ khí, không ồn ào la lối ấy mà kẻ thù phải im hơi lặng tiếng, không kịp trở tay! Hình như cụ Nguyễn không dừng ở mức độ sát nhân vô đao kiếm mà còn nói cái thơn thớt nói cười, ấy là tiếu trung hữu đao (trong cái cười có đao kiếm).
Đó là hai mặt đối nghịch nhau của Hoạn thư. Cái bề ngoài có vẻ hời hợt, vô tư, cách ăn ở dễ dàng nhưng bên trong lòng dạ giết người. Thông thường, miêu tả một nhân vật độc ác ta thường biểu hiện từ tiếng nói, từ miệng cười, từ cái liếc mắt… tất cả đều hung bạo, dữ dằn. Ở đây Hoạn lại là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai phạm trù đối nghịch nhau!
Trong KVKT, TTTN chỉ nói: Thúy Kiều nghe Hoạn thư gọi ra hầu liền chạy ra, trông thấy Thúc tự hỏi: Chao ôi sao chàng Thúc sinh lại đến đây? Nhưng nghe Hoạn xưng hô với Thúc, Kiều biết là mình đã bị mắc mưu, nhớ lời căn dặn của vú già liền im bặt. Nguyễn Du đã dùng sáu câu thơ vừa bộc lộ mưu mô thâm độc của Hoạn vừa cho thấy Thúy Kiều ở thế bị động, khó lòng chống đỡ.
Vì vậy cụ Nguyễn mới khắc họa thêm cái thảm cảnh của Thúy Kiều lúc ấy: Bây giờ đất thấp, trời cao/ Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?
Hai chữ bây giờ mở đầu và khóa lại hai dòng thơ, miêu tả đúng thời khắc khó khăn nhất trong việc ứng xử của Thúy Kiều.
Còn Thúc sinh? KVKT cho Thúy Kiều đã đến sờ sờ trước mặt Thúc, Thúc còn hỏi: “Người con gái này ở đâu đến thế?”. Đến lúc Hoạn thư nói con ở này “hiểu âm luật lại thạo hồ cầm”, Thúc mới bất giác nghĩ đến Thúy Kiều.
Nguyễn Du không có một câu thơ nào miêu tả Thúc sinh trông thấy Thúy Kiều và hỏi nọ, kia. Cụ Nguyễn tả ngay tâm trạng của Thúc: Sinh đã phách lạc hồn xiêu/ Thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây? Nhân làm sao đến thế này?/ Thôi thôi đã mắc vào tay ai rồi!/ Sợ quen dám hở ra lời/ Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ ra…
Như ở bài trước chúng tôi đã đề cập đến tài chỉ huy trận đánh mở màn. Lần ấy, nghe lời Thúy Kiều, Thúc định trình bày với Hoạn tất cả. Nhưng Hoạn đã đẩy lui kẻ địch nhẹ nhàng và đưa đối thủ bước vào trận địa không hay biết. Chẳng cần đao búa, chẳng cần nặng lời mắng nhiếc mà Hai bên giáp mặt chiền chiền/ Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!
Lê Xuân Lít