Chủ nhật, 29/3/2015, 22h03

Khi trò không còn tin thầy

Với tựa đề bài viết này chắc có lẽ mọi người sẽ tự đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan như “Tại sao học trò không tin thầy?”, hay “Học trò không tin điều gì nơi thầy?”… Xin thưa, không phải các em không tin vào những bài học về tự nhiên, xã hội, lịch sử, kiến thức của những môn học trong sách giáo khoa do giáo viên (GV) dạy, mà các em không có đủ niềm tin, không cảm nhận được nét đẹp của những bài học lý thuyết về giá trị đạo đức nơi sách vở, về những thói quen tốt cần thiết mà GV đề cập đến. Không phải là hoàn toàn song một số học sinh (HS) theo tôi là không hề nhỏ trong nhà trường có diễn tiến tâm lý và suy nghĩ không thật sự tin tưởng vào những bài học về luân lý, đạo đức… mà biết bao GV tâm huyết, cố công mang đến cho các em.
Thử đưa ra vài hiện tượng mà tôi quan sát, thấy được và thường xuyên trao đổi cùng đồng nghiệp. Từ nhà trường là chuyện thi cử, trong HS có suy nghĩ: “Tại sao phải học bài trong khi có thể nhìn tài liệu, nhìn bài bạn bên cạnh?”, “Tại sao phải cố gắng trong khi đi học thêm là được GV nâng điểm?”... HS không thể hiểu hết công bằng là như thế nào, không hiểu được tự trọng nó quý giá ra sao mà các em chỉ biết là “không học cũng có điểm”. Nhà trường đúng ra phải là nơi hun đúc, gầy dựng, nhân rộng những niềm tin về giá trị tốt đẹp thì nay có cảm giác đang mất đi phần nào sứ mệnh? Cũng có thể là viễn cảnh mà người viết lo xa.
Từ gia đình, các em được cha mẹ nhắc nhở rằng “ra đường ai làm gì kệ người ta”, “không liên quan thì đừng nhúng tay vào”… Có HS kể với tôi, ngày nào đi học về giữa trưa nắng cũng thấy một em nhỏ đi bán vé số, muốn chở giúp đi một đoạn nhưng nhớ lời mẹ hay dặn “kệ họ, cẩn thận kẻo người ta lừa” nên thôi. Sự thật là đã có trường hợp báo chí đưa tin có kẻ dùng trẻ nhỏ nhằm mục đích lợi dụng lòng tốt của mọi người hoặc lừa gạt người đi đường. Lòng tốt phải chăng không còn được thể hiện? Ra đường các em hồn nhiên xả rác, hỏi sao không gom giữ đến nơi có thùng rác bỏ vào? Câu trả lời là một câu hỏi không cần lời đáp: “Tại sao phải tuân thủ trong khi có người thu dọn và người người vẫn vô tư xả rác?”. Rất nhiều câu hỏi “tại sao” khi chúng ta đặt ra thì cũng nhận lại câu trả lời bắt đầu bằng hai từ “tại sao”, đại loại như: “Tại sao phải xếp hàng trong khi không xếp hàng lại nhanh hơn?”, “Tại sao phải thương yêu đồng loại trong khi nhiều người lợi dụng lòng tốt như xin ăn?”, “Tại sao phải đứng lại chờ đèn đỏ khi ai cũng lấn lên để vượt?”... Ai sẽ giải thích? Ai sẽ lấy lại niềm tin cho các em? Ai đủ sức thay đổi điều đó? Có phải riêng nhà trường?
Xin thưa, HS hiện tại là tương lai của đất nước, sau này các em sẽ là người đánh giá việc làm và hành động, những cố gắng hiện tại của chính chúng ta. Các em sẽ kết án sự dễ dãi, bất nghiêm của chúng ta hay cổ vũ và tiếp tục vun đắp thêm giá trị tốt đẹp tùy thuộc hành động hiện tại của chính chúng ta.
Nguyễn Minh Thanh (Bình Chánh, TP.HCM)