Thứ hai, 26/12/2011, 15h12

Lời phê hết sức quan trọng

Lời phê của GV không những ghi đầy đủ mà còn phải ghi cẩn thận, sạch đẹp, tránh sự cộc lốc, tránh câu thiếu chủ ngữ vị ngữ (ảnh minh họa). Ảnh: V.L

Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4): Không nhất thiết phải phê khác nhau
Hiện nay, việc chấm bài, phê bài các môn học của học sinh là trách nhiệm của mỗi giáo viên (GV). Thông qua việc chấm bài đòi hỏi GV phải có sự nhận xét kết quả, hay đúng hơn là ghi những lời phê vào kết quả các bài đã chấm. Từ những lời phê ấy, phụ huynh học sinh có thể thấy được năng lực học hành của con cái đến đâu, đồng thời qua lời phê, học sinh biết lỗi sai, điểm đúng của mình đến đâu để có sự phấn đấu và phát huy. Do đó, đòi hỏi lời phê phải có tính chất động viên, khuyến khích, điều đó sẽ thể hiện sự quan tâm của GV đến học sinh và đây là việc làm hết sức ý nghĩa.
Tuy nhiên, trong một ngày, GV phải chấm ít nhất 3 môn, trung bình mỗi lớp khoảng 40 em, thử nhân lên thì ta thấy một ngày GV chấm một lượng bài khổng lồ. Đấy là còn chưa kể đối với môn tập làm văn, ngoài việc phê chính, GV phải nhận xét về lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp… Thế nên thời gian dành cho chấm bài không phải ít, điều này cho thấy GV cũng gặp nhiều khó khăn về thời gian, về công việc. Với một số lượng bài nhiều như vậy, chắc chắn sẽ có những bài có lỗi sai giống nhau nên việc GV viết lời phê giống nhau là điều dễ hiểu và hoàn toàn bình thường. Thiết nghĩ không nhất thiết đòi hỏi GV phải phê khác nhau trong mỗi bài làm của học sinh, quan trọng là GV phê đúng, đủ, thể hiện được kết quả của bài làm, năng lực học tập của học sinh.
Thầy Bùi Ngọc Phi - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh): Lời phê cần mang tính sư phạm, thẩm mĩ
Việc ghi lời phê của GV vào mỗi bài làm của học sinh là một điều hết sức cần thiết, giúp học sinh thấy được lỗi sai của mình và qua đó phụ huynh học sinh nắm bắt được tình hình học tập của con cái.
Đối với học sinh, năng lực học của các em không như nhau, có em khá, có em giỏi, các bài làm mỗi lần cũng không giống nhau vì thế lời phê hoàn toàn không giống nhau. Một lời phê đầy đủ cần dựa trên nội dung bài làm hôm đó của học sinh, đồng thời còn dựa vào lực học của từng em trong cả kỳ, cả năm. Ví dụ hai bài cùng đạt điểm tốt, nhưng đối với một học sinh trung bình, yếu mà đạt điểm tốt thì lời phê của GV không những mang tính nhận xét, đánh giá, mà còn nên động viên, khuyến khích. Lời phê này hoàn toàn khác với lời phê một học sinh giỏi đạt điểm tốt. Thế nên sẽ có những trường hợp đòi hỏi GV viết lời phê khác nhau cho hai bài cùng điểm tốt, và cũng tương tự đối với những bài cùng đạt điểm kém.
Mặt khác, đối với học sinh tiểu học, mọi việc làm của người lớn đều có thể khiến các em bắt chước, làm theo nên đòi hỏi lời phê của GV không những ghi đầy đủ mà còn phải ghi cẩn thận, sạch đẹp, hay đúng hơn cần phải mang tính sư phạm, tính thẩm mĩ, tránh sự cộc lốc, tránh câu thiếu chủ ngữ vị ngữ. Đơn cử, một bài kiểm tra không đạt mà GV phê rằng “quá tệ”, hiển hiện sự cộc lốc, thiếu chủ vị thì tâm lý học sinh sẽ không hiểu đầy đủ, rõ ràng về lỗi sai, hơn nữa sẽ không tránh khỏi hụt hẫng, buồn chán và thất vọng. Song nếu như GV dùng những từ khéo léo hơn một chút, viết câu đầy đủ chủ vị thì ngay lúc đó, các em như nhận được sự chia sẻ nhẹ nhàng từ cô giáo chủ nhiệm của mình, và có thể tự nhủ, cần phải cố gắng khắc phục, cố gắng sửa sai để làm tốt hơn nữa, bằng bạn bè. Điều này cho thấy, hình thức của một lời phê hết sức quan trọng.
Ngoài việc dùng lời phê thể hiện trên bài làm để đánh giá kết quả học tập của học sinh thì GV còn có thể dựa vào sổ liên lạc, điện thoại để thông báo đến phụ huynh học sinh. Sự kết hợp này giúp phụ huynh và GV có thể nắm bắt tình hình học tập của học sinh chặt chẽ hơn, mà có những biện pháp quan tâm tốt hơn đến các em.
Ngọc Trinh (ghi)